>>>
- Mô hình chăn nuôi kết hợp ứng dụng máy xay đa năng Trí Đạt
- Làm giàu từ mô hình nuôi trồng kết hợp tại Vĩnh Long
- Mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm trong ao
Ông Trịnh Việt Chiến đánh giá giống lúa Hà Phát 3 có nhiều ưu điểm nổi trội. Ảnh: Phạm Hiếu.
Giống lúa Hà Phát 3 nhiều ưu điểm
Giống lúa thuần Hà Phát 3 do Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hà Phát chọn lọc và làm thuần từ các cá thể có nhiều đặc điểm nông học tốt trong nguồn vật liệu nhập ngoại. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức ngày 21 tháng 06 năm 2019 theo QĐ số 2373/QĐ-BNN-TT tại các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam trung bộ và Tây Nguyên. Bà con nông dân đã biết đến và sản xuất đại trà giống lúa nhiều ưu điểm này suốt 2 năm nay.
Giống lúa đã qua khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Kết quả cho thấy Hà Phát 3 có nhiều ưu điểm như: Ngắn ngày, thời gian sinh trưởng trong vụ Xuân tại miền Bắc từ 115 – 134 ngày, vụ Mùa từ 102 – 108 ngày. Tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân từ 105 – 112 ngày, vụ Hè Thu từ 90 – 97 ngày.
Giống có dạng hình đẹp, cứng cây, lá đứng, sinh trưởng phát triển tốt, trỗ bông tập trung, bông to, nhiều hạt, hạt xếp sít. Giống Hà Phát 3 có tiềm năng năng suất cao. Năng suất thực thu tại các điểm sản xuất thử trong vụ Đông Xuân, Xuân, đạt từ 66,9 – 85,1 tạ/ha. Trong vụ Hè Thu, vụ Mùa năng suất đạt từ 56,8 – 75,9 tạ/ha.
Gạo Hà Phát 3 trắng trong, ít bạc bụng, tỷ lệ gạo xát cao từ 68,24 – 69,71%. Chất lượng cơm gạo của Hà Phát 3 phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Giống có khả năng chịu rét, chịu nóng và chống đổ khá, thích ứng với chân đất từ vàn trũng đến vàn cao, có thể gieo trồng trong các thời vụ chính của các vùng trồng lúa từ Tây Nguyên trở ra các tỉnh phía Bắc.
Giống lúa Hà Phát 3 có đặc tính ổn định và cho năng suất cao. Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo ông Đỗ Tường, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hà Phát, trong bối cảnh hiện nay rất nhiều nông dân ở những vùng khu công nghiệp không có điều kiện thâm canh lúa như những vùng thuần nông khác. Thế nên họ sẽ ưu tiên sử dụng giống lúa này vì tính ổn định và năng suất khá cao.
“Với những vùng trang trại sản xuất lớn cũng không có điều kiện chăm sóc kĩ lưỡng như các hộ nông dân nhỏ lẻ thì sử dụng giống này sẽ tiết kiệm nhiều công sức, đặc biệt là chi phí của thuốc trừ sâu mà năng suất vẫn ổn định. Thị trường hiện nay chấp nhận và các thương lái thu mua sản phẩm từ lúa Hà Phát 3 rất nhiều”, ông Đỗ Tường cho hay.
Mô hình cấy lúa, thả cá, chăn vịt
Với 50 mẫu ruộng cấy lúa Hà Phát 3, ông Trịnh Việt Chiến (xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đánh giá giống lúa này có năng suất cao hơn những giống lúa khác.
Cùng kinh nghiệm làm nông nghiệp nhiều năm, ông Chiến nhận định giống lúa Hà Phát 3 có nhiều ưu điểm hơn so với các loại giống lúa thuần khác như: giữ được bộ lá, năng suất vượt trội, đặc biệt khả năng chống chịu sâu bệnh cực kì tốt, ngay cả khi sản xuất theo hướng hữu cơ, ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh.
“Thời tiết năm nay rất thuận lợi cho nông nghiệp. Thời điểm lúa sinh trưởng, phát triển thì lại có mưa nhưng mưa không quá nhiều mà chỉ vừa đủ để lúa phát triển. Ruộng lúa Hà Phát 3 của tôi năm nay cho năng suất khoảng 3 tạ/sào (quy khô khoảng 2,5 tạ/sào). Thế nhưng kể cả những năm thời tiết không được thuận lợi thì giống Hà Phát 3 vẫn mang lại năng suất khá”, ông Chiến chia sẻ.
Kết hợp cấy lúa, thả cá, chăn vịt, người nông dân thu về 1 tỷ 1 năm. Ảnh: Phạm Hiếu.
Trong 50 mẫu ruộng cấy lúa Hà Phát 3, ông Chiến đã mạnh dạn sản xuất 27 mẫu theo hướng hữu cơ. Và 27 mẫu ruộng sản xuất theo hướng hữu cơ ấy đã mang lại cho người nông dân hiệu quả và năng suất cao hơn mọi năm rất nhiều.
Gia đình ông Chiến sản xuất lúa dùng phân hữu cơ nên có thể thả được cá và nuôi được vịt. 27 mẫu ruộng người nông dân thả khoảng 3.000 – 4.000 con cá chép. Tốc độ sinh trưởng của cá rất tốt. Chỉ trong vòng 2 tháng cá đã tăng trọng lượng từ 3 lạng lên 6 lạng. Cá được thả ở ruộng lúa cho chất lượng thịt chắc, thơm và rất ngọt.
Áp dụng mô hình sản xuất mạ khay máy cấy, người nông dân xã Ninh Khang đã kết hợp cả chăn nuôi vịt. Việc kết hợp nuôi vịt trong ruộng lúa đã giúp ông Chiến giải quyết được vấn đề sâu bệnh mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.
“Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích về mặt chất lượng sản phẩm và giúp môi trường xanh sạch hơn mà còn đem lại lợi ích về kinh tế rất lớn cho người nông dân. Mỗi năm tôi cấy lúa, thả cá, nuôi vịt 2 vụ, mỗi vụ thu về 500 triệu đồng. Thế nên tôi mong muốn những mô hình nông nghiệp hiệu quả như này sẽ được nhân rộng hơn nữa để người nông dân cải thiện được kinh tế cũng như đời sống”, ông Trịnh Việt Chiến bày tỏ.
Phạm Hiếu | NNVN