Cây nắp ấm không chỉ có vẻ ngoài độc đáo, đẹp mắt, đây còn là loài cây có khả năng làm sạch không khí, loại bỏ côn trùng, sâu bệnh vô cùng hiệu quả.
Bởi vậy mà hiện nay nhiều người chọn cây nắp ấm như một loại cây cảnh trưng bày trong nhà.
Nếu bạn đang khoăn liệu trồng cây nắp ấm có khó không thì những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.
Đặc điểm cây nắp ấm
Dưới đây là một vài thông tin về đặc điểm, đặc tính sống để bạn hiểu rõ hơn về loài cây độc đáo này.
- Tên: Nắp ấm
- Tên gọi khác: bình nước kỳ quan, cây bắt mồi, trư lung
- Họ: Nắp ấm (Nepenthaceae)
- Tên khoa học: Nepenthes mirabilis
Nắp ấm là loài cây thân thảo có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và Úc. Cây mọc theo kiểu bò lan, chiều cao từ 30cm – 1m tùy vào điều kiện sống.
Thân cây dạng hình trụ, khá dai, mọc dài, khi thân còn non thì có lông, màu lục nhạt sau đó chuyển dần thành màu nâu sậm, nhẵn hơn.
Rễ cây bám khá nông, do đó khả năng hấp thu dinh dưỡng không cao, thay vào đó cây tự thích nghi để có thêm dinh dưỡng.
Cụ thể, giữa thân cây sẽ xuất hiện các râu uốn cong và tạo thành hình chiếc bình, có nắp đậy. Bình có màu xanh xen lẫn vân hoặc đốm đỏ. Nhiều người thường nhầm tưởng đây là hoa nắm ấm nhưng thực tế là do lá tiến hóa mà thành.
Các bình này có chứa nước và mùi hương để thu hút côn trùng, sau đó bắt và tiêu hóa chúng để chuyển thành dinh dưỡng cho cây. Rất độc đáo đúng không nào.
Lá cây có hình bầu dục hơi thuôn dài, nhọn ở 2 đầu. Lá có màu xanh thẫm, dày và bóng, gân mờ, cuống lá ngắn và ôm lấy thân cây.
Cây nắp ấm cũng ra hoa đơn tính, mọc thành cụm thẳng đứng. Quả của cây có hạt dài, hơi mảnh.
Về đặc tính sống, cây nắp ấm có tốc độ sinh trưởng trung bình, sống lâu năm. Cây ưa khí hậu nóng ẩm, thích bóng mát. Ngoài ra, số lượng nắp ấm trên cây cũng tỉ lệ nghịch với độ màu mỡ của đất.
Công dụng cây nắp ấm
Với dáng vẻ độc đáo, đặc biệt là những chiếc bình được treo trên cây, nhiều người lựa chọn cây nắp ấm như một loại cây cảnh để trang trí trong nhà.
Các vị trí có thể treo chậu nắp ấm cũng rất đa dạng, từ cửa sổ, ban công, hiên nhà, sân vườn, lối đi đều rất phù hợp.
Nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng treo những chậu nắp ấm để tô điểm thêm không gian quán.
Không chỉ mang tính thẩm mỹ, nắp ấm còn là một sự hỗ trợ đáng kinh ngạc trong việc thanh lọc không khí, loại bỏ sâu bệnh, ruồi muỗi trong nhà hay trong vườn.
Các bộ phận của cây nắp ấm còn có thể tận dụng để làm các phương thuốc chữa bệnh. Theo các ghi chép Đông Y, nắp ấm có vị ngọt, nhạt, tính mát, có thể dùng để điều trị sỏi thận, trị tiêu chảy, gan nhiễm mỡ, ho, đái tháo đường, các bệnh về đường tiết niệu, tá tràng hay dạ dày.
Tất nhiên, trước khi sử dụng thì bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia trước.
Cách trồng cây nắp ấm
Để có một chậu nắp ấm trưng bày, cách đơn giản nhất là mua ở các đại lý. Tuy nhiên, nếu mua phải nắp ấm Trung Quốc thì cây chỉ ra nắp một đợt, không có tính thẩm mỹ lâu dài. Nên tốt nhất vẫn là tự nhân giống.
Chuẩn bị đất trồng
Có một nghịch lý khi trồng cây nắp ấm là không được dùng đất quá màu mỡ, bởi như vậy cây sẽ không ra nắp, tốt nhất bạn trộn cát với xơ dừa theo tỉ lệ 1:2.
Nếu dùng chậu thì cần dùng chậu to một chút, lỗ thoát nước nhỏ để giữ ẩm cho đất. Tốt nhất là dùng chậu sứ hoặc nhựa, thay vì chậu đất nung.
Cây nắp ấmcó thể nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.
Gieo hạt
Cách này ít khi được sử dụng, bởi hạt bạn phải mua chứ khó thu hoạch từ cây, ngoài ra, thời gian để cây phát triển cũng khá chậm.
Sau khi mua được hạt giống và chuẩn bị đất trồng đầy đủ, bạn rải hạt đều lên mặt đất, dùng bình phun sương tưới đều để hạt dính đất.
Những ngày sau cứ tiếp tục duy trì tưới nước, không để đất bị khô. Giữ chậu ở nơi thoáng mát, không quá nắng, sau khoảng 1 năm thì cây sẽ cao khoảng 5 – 7cm. Lúc này bạn có thể tách cây ra chậu riêng để tiếp tục chăm sóc.
Giâm cành
Với phương pháp này, bạn có thể tự nhân giống từ cây có sẵn, thời gian cây phát triển cũng nhanh hơn.
Khi cây lớn, bạn cắt phần ngọn cây để giâm. Cắt sao cho đoạn ngọn dài khoảng 5cm, có 2 – 3 đốt lá, tiếp đó mỗi chiếc lá bạn cắt bỏ một nửa cho gọn.
Ngâm phần ngọn vừa cắt vào dung dịch kích rễ khoảng 2 tiếng, rồi cắm vào đất đã chuẩn bị từ trước. Tưới nước để duy trì độ ẩm cho đất.
Với cách làm này, 3 tuần là cây đã đâm chồi, chỉ khoảng 4 tháng là cây đã đạt đủ kích thước để có thể tách ra chăm sóc riêng.
Chăm sóc cây nắp ấm
Cách chăm sóc cây nắp ấm cũng vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần chú ý tới nước và ánh nắng, như vậy là vừa đủ.
Tưới nước
Là loài cây ưa ẩm, bạn nên tưới nước đều đặn cho cây nắp ấm. Không để đất quá khô, tốt nhất là duy trì độ ẩm luôn ở mức 60- 70%. Ngoài ra, khi tưới ước bạn nên tưới phun sương, chọn nước sạch để tưới.
Nếu chậu cây thoát nước chậm thì nên tưới mỗi tuần 1 lần, còn chậu thoát nước nhanh thì 2 – 3 ngày 1 lần, tất nhiên là còn tùy độ ẩm thực tế của đất nữa.
Tuy không chịu được ngập úng nhưng nắp ấm lại có thể mọc thủy sinh.
Phân bón
Không bón phân cho cây nắp ấm, cây thiếu dinh dưỡng sẽ kích thích ra nắp để bắt mồi. Nếu bạn bón phân hay trồng trên đất giàu dưỡng chất, cây sẽ không ra nắp. Thay vào đó, bạn nên thay đất trong chậu mỗi năm một lần để làm mới môi trường sống.
Ánh sáng
Cây có thể sinh sống được cả ngoài sáng và bóng râm. Tốt nhất là bạn nên trồng cây ở những nơi thoáng mát. Khi cây còn nhỏ thì nên che chắn mỗi khi nắng gắt, còn cây đã lớn thì có thể sinh trưởng tốt trong ánh nắng bình thường, không cần quá lo lắng.
Ánh nắng cũng là một trong những điều kiện cần để kích thích cây ra nắp ấm.
Nhiệt độ
Cây nắp ấm sinh trưởng tốt nhất trong khoảng nhiệt độ từ 18 – 30 độ C, nhìn chung là khá phù hợp với điều kiện môi trường ở Việt Nam.
Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên quan sát kiểm tra, nếu thấy lá hư héo, vàng úa thì nên cắt bỏ ngay. Là loài cây chuyên ăn côn trùng nên nắp ấm rất khó bị sâu bệnh, rất tiện lợi.
Trên đây là những thông tin về cây nắp ấm mà bạn có thể tham khảo qua để có một kế hoạch trồng và chăm sóc sao cho hiệu quả, mang tính thẩm mỹ nhất.
Chúc bạn thành công.