Mai vạn phúc với dáng vẻ sum suê, khi kết hoa lại tỏa sắc trắng tinh khôi, là lựa chọn tuyệt vời để làm cây cảnh tô điểm không gian nhà cửa, công trình.
Vậy cách trồng và chăm sóc cây mai vạn phúc có khó không?
Cùng tìm hiểu qua một vài đặc điểm và đặc tính của cây mai vạn phúc trong bài viết dưới đây nhé.
Đặc điểm cây mai vạn phúc
Hiểu rõ đặc điểm là yếu tố cần thiết để bạn có thể chăm sóc cây đúng cách, dưới đây là vài điểm chính bạn cần nắm rõ.
- Tên: Mai vạn phúc
- Tên gọi khác: Mai tiểu thư, Mai chỉ thiên
- Họ: Trúc Đào (Apocynaceae)
- Tên khoa học: Wrightia antidysenterica
Mai vạn phúc là loài cây thân gỗ, có nguồn gốc từ các nước châu Á, cây có kích thước khá nhỏ chỉ từ 40cm đến hơn 1m tùy vào điều kiện sống.
Thân và cành của mai vạn phúc đều nhỏ nhưng khá chắc khỏe. Cây phân cành khá nhiều, tạo thành bụi, lá mọc nhiều ở đầu cành tạo nên vẻ um tùm, rậm rạp.
Lá cây thuôn dài, nhọn ở hai đầu, dài từ 3 – 7cm, có màu xanh thẫm, mặt bóng, mép nguyên.
Vào mùa hè cây mai vạn phúc bắt đầu ra hoa màu trắng, hoa có dạng 5 cánh tỏa đều, gắn trên một ống nhỏ dài. Hoa thường mọc ở phía ngọt cành hoặc nách lá, tỏa hương nhẹ nhàng dễ chịu.
Sau khi hoa rụng thì cây hình thành quả màu đỏ, có dạng nang hơi thuôn dài.
Về đặc tính sống, mai vạn phúc có thể sinh sống trên nhiều loại đất khác nhau, là loài ưa sáng, ưa ẩm, chịu hạn trung bình và chịu úng kém, do đó cần chú ý căn chỉnh lượng nước tưới.
Công cụng của cây mai vạn phúc
Với hình dáng nhỏ gọn nhưng vẫn toát lên vẻ sum suê, um tùm, cây mai vạn phúc được nhiều người lựa chọn trồng làm cảnh trong nhiều công trình.
Cây thường được trồng thành bụi, làm đường viền, lối đi hay hàng rào trang trí trong công viên, bệnh viện, trường học, khu đô thị, khu công nghiệp…
Ngoài ra, nhiều người còn trồng mai vạn phúc trước cổng, bờ tường, hay trồng trong chậu để trang trí trong nhà, ban công hay sân vườn.
Tán lá xanh và rậm rạp của mai vạn phúc cũng góp phần không nhỏ trong quá trình thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn, giúp môi trường sống trong lành hơn.
Trong Đông Y, nhiều ghi chép còn cho thấy các bộ phận của cây mai vạn phúc có thể tận dụng để điều trị rối loạn đường ruột, chống viêm, giảm lở miệng, trị bệnh ngoài da… tất nhiên trước khi áp dụng, bạn cần tham khảo qua sự tư vẫn của chuyên gia nhé.
Ý nghĩa của mai vạn phúc
Về ý nghĩa, với màu hoa trắng tinh khôi, mai vạn phúc đại diện cho vẻ đẹp trong sáng, nhẹ nhàng, thể hiện khí chất quân tử của gia chủ.
Ngoài ra, trồng mai vạn phúc trong nhà còn giúp xua đuổi vận xui, mang lại may mắn, thuận lợi trong cuộc sống, công việc.
Cách trồng cây mai vạn phúc
Nhờ khả năng sinh trưởng mạnh mẽ mà cách nhân giống và trồng cây mai vạn phúc khá đơn giản, dưới đây là vài bước chính.
Chuẩn bị đất trồng
Đất trong bầu giống bạn có thể dùng đất bình thường trộn thêm ít phân chuồng để tăng độ dinh dưỡng. Ngoài ra cần kết hợp với xơ dừa, mùn để tăng độ tơi xốp và khả năng thoát nước, bầu cây cũng cần đục lỗ bên dưới tránh ngập úng.
Nhân giống
Phương pháp hiệu quả và được áp dụng nhiều nhất hiện nay là chiết cành, bởi cây con dễ sống, sinh trưởng nhanh.
Cách chiết cành mai vạn phúc cũng giống các phương pháp thông thường, bạn chọn cành bánh tẻ, to khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh.
Sau đó tiến hành khoanh vỏ, đắp bầu và tưới nước. Sau một thời gian, phần đắp bầu sẽ bén rễ, bạn cắt cành đó bao gồm cả phần bầu đất và trồng vào nơi mong muốn.
Trồng cây
Trồng mai vạn phúc trong chậu: chọn chậu có kích thước phù hợp, có lỗ thoát nước. Rải một lớp đất khoảng 1/3 đáy chậu, sau đó tháo vỏ bầu, đặt cây vào trong, giữ cây thẳng đứng và lấp đất lại, nén hơi chặt sau đó tưới đẫm nước.
Trồng mai vạn phúc ra đất: đào một hố có kích thước gấp đôi bầu cây, sau đó lót một lớp đất nền, đặt cây vào và lấp đất lại giống như trồng trong chậu, tưới đẫm nước và tiếp tục chăm sóc để cây phát triển.
Nếu trồng nhiều cây, cần đảm bảo khoảng cách các cây từ 60 – 80cm để cây có không gian phát triển.
Chăm sóc cây mai vạn phúc
Cây mai vạn phúc có tốc độ sinh trưởng nhanh, phù hợp nhiều điều kiện môi trường nên quá trình chăm sóc khá đơn giản.
Tưới nước: là loài cây ưa nước, bạn nên duy trì độ ẩm cho đất thường xuyên. Nếu trồng cây trong nhà, bạn có thể tưới 2 lần mỗi tuần, còn mỗi ngày 1 lần nếu trồng ngoài trời. Khi tưới cần chú ý chỉ cần ẩm đất, tưới nhiều có thể gây ngập úng.
Ánh sáng: là cây công trình, chắc chắn mai vạn phúc ưa ánh nắng, dù vậy khi cây còn nhỏ thì bạn nên có biện pháp che chắn mỗi khi nắng gắt. Tiếp xúc với ánh sáng đầy đủ sẽ giúp cây có màu xanh thẫm đẹp mắt.
Dinh dưỡng: mai vạn phúc không cần quá nhiều dinh dưỡng, nhưng để cây sinh trưởng tốt thì bạn nên bón phân NPK định kỳ cho cây mỗi 3 – 4 tháng một lần. Nếu trồng cây trong chậu thì 1 năm nên thay đất một lần.
Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh: vì là cây sinh trưởng nhanh, bạn nên thường xuyên cắt tỉa để giới hạn kích thước và tạo dáng cho cây. Về sâu bệnh, thi thoảng cây có thể gặp trường hợp vàng lá, rệp sáp hay phấn trắng, bạn có thể bổ sung phân bón nếu cây vàng lá, mua thuốc phun nếu cây sâu bệnh.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây mai vạn phúc, dù chưa đầy đủ những chắc hẳn bạn cũng có thêm kinh nghiệm để trồng và chăm sóc cây được hiệu quả hơn.
Chúc bạn thành công.