Cây Ngũ gia bì không chỉ là một loại cây cảnh đẹp, mà đây còn là loài cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và không gian sống.
Nói về cây cảnh hay cây thuốc thì không thể không nói đến Ngũ gia bì, với nhiều ưu điểm tốt, loài cây này được nhiều người thích trồng cây ưa chuộng.
Vậy tại sao mọi người lại ưa chuộng cây Ngũ gia bì?
Chúng ta cùng tìm hiểu những thông tin về đặc điểm, tác dụng, cách trồng và chăm sóc cây Ngũ gia bì dưới đây nhé.
Đặc điểm của cây Ngũ gia bì
Chúng ta cùng tìm hiểu một vài đặc điểm cơ bản để có thể dễ dàng phân biệt cây Ngũ gia bì với những loại cây khác nhé.
- Tên: Ngũ gia bì
- Tên gọi khác: chân chim bảy lá, chân chim hoa trắng, đáng, lằng, sâm nam, chân vịt
- Tên khoa học: Schefflera heptaphylla
- Họ: Họ Cuồng cuồng
Cây Ngũ gia bì là loài cây thân gỗ, có kích thước nhỏ, tùy vào nơi trồng và cách chăm sóc mà cây có thể cao từ 30cm – 2m.
Ngũ gia bì có nhiều cành nhánh, mỗi cành nhỏ sẽ có từ 6 – 8 lá, các lá sẽ có dạng kép xòe chân vịt.
Hoa của cây Ngũ gia bì có màu trắng và mọc thành chùm tán, khi ra quả sẽ có hình cầu với đường kính khoảng 3 – 4mm. Dạng quả mọng, khi chín thì có màu tím đen, bên trong có từ 6 – 8 hạt.
Cây rất dễ sống và có thể chịu được điều kiện thời tiết khó khăn, do đó bạn sẽ không phải tốn nhiều công cho quá trình chăm sóc cây.
Một vài hình ảnh khác của cây Ngũ gia bì:
Tác dụng và ý nghĩa phong thủy
Cây Ngũ gia bì có tác dụng gì?
Mục đích đầu tiên của cây Ngũ gia bì khi được trồng làm cảnh là mang lại không gian thoáng đãng, tạo cảm giác tươi mới trong nhà hay văn phòng làm việc.
Không những vậy, Ngũ gia bì còn được xác nhận là có khả năng thanh lọc không khí và khử mùi rất tốt. Từ lâu, cây này còn được mọi người trồng quanh nhà với mục đích đuổi muỗi.
Ngũ gia bì còn có khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa rất tốt, nên thường được người dân nhiều vùng sử dụng làm thực phẩm, thường là trong các món gỏi hay nấu canh.
Đây còn là một dược liệu rất tốt cho sức khỏe. Theo những ghi chép Đông y, ngũ gia bì có tính mát, thường sử dụng để làm mạnh gân cốt, chống suy nhược, giảm đau nhức xương khớp…
Tất nhiên, với những công dụng làm thực phẩm hay dược liệu thì cần sử dụng cây trồng ngoài tự nhiên chứ không phải cây cảnh.
Cây ngũ gia bì có độc không?
Như đã nói ở trên, cây ngũ gia bì có nhiều tác dụng chữa bệnh, trên hết còn có thể dùng để ăn nên hoàn toàn không có độc tố.
Cây Ngũ gia bì trong phong thủy
Không chỉ mang lại nhiều tác dụng trong việc làm sạch không khí, tạo ra không gian thoải mái. Cây Ngũ gia bì còn mang nhiều ý nghĩa về phong thủy.
Cụ thể, cây Ngũ gia bì tượng trưng cho gia đình, mang ý nghĩa giúp gia đình luôn êm ấm hòa thuận, tiền tài phát triển vững vàng, ổn định. Rất thích hợp để làm quà tặng trong các dịp lễ tân gia, thành hôn.
Vị trí tốt nhất để đặt cây Ngũ gia bì là trong phòng trẻ nhỏ, phòng ngủ, giếng trời hay gần phòng bếp. Ngoài ra, nếu đang kinh doanh, bạn cũng có thể đặt cây ở phòng tiếp khách, bàn lễ tân, bàn làm việc hay gần cửa ra vào hàng quán.
Cây Ngũ gia bì hợp tuổi nào?
Trong ngũ hành, cây Ngũ gia bì phù hợp với hầu hết các mệnh, nhưng tốt nhất là với những người thuộc mệnh Mộc.
Bởi vậy, nếu bạn thuộc mệnh Mộc thì không nên bỏ qua việc trồng một cây Ngũ gia bì để mang đến may mắn cho cuộc sống.
Cách trồng và chăm sóc cây Ngũ gia bì
Như đã nói ở trên, cây Ngũ gia bì có sức sống rất mãnh liệt nên cách chăm sóc không có gì khó. Tuy nhiên để cây có thể phát triển khỏe mạnh và đúng như ý muốn thì bạn cũng cần chú ý một vài điểm.
Cách trồng cây ngũ gia bì
Cây Ngũ gia bì thích hợp với khí hậu nhiệt đới và phát triển khá nhanh, nên tốt nhất bạn nên trồng cây theo phương pháp dâm cành hoặc chiết cành.
- Dâm cành: cắt một cành cây khỏe, sau khi để khô đầu thì nhúng vào dung dịch kích thích mọc rễ. Ngâm khoảng 15 phút thì lấy ra trông vào đất đã chuẩn bị sẵn.
- Chiết cành: chọn cành khỏe mạnh, sau đó khoanh vỏ, đắp bầu và chờ cành ra rễ thì cắt rồi trồng xuống đất.
Để chọn được một cây Ngũ gia bì khỏe mạnh, có khả năng nhân giống tốt thì bạn chỉ cần chú ý một chút, tránh chọn các cành có lá vàng, rụng lá nhiều, lá và cuống bị nâu hay đang bị côn trùng phá hoại.
Đất để trồng cây Ngũ gia bì chỉ cần chọn đất nông nghiệp bình thường, có thể trộn thêm phân bò, tro hoặc xơ dừa để tăng thêm dưỡng chất cho đất, giúp cây sinh trưởng mạnh mẽ.
Cách chăm sóc cây ngũ gia bì
Sau khi trồng, bạn cũng cần có chế độ chăm sóc cây phù hợp để cây Ngũ gia bì có thể phát triển khỏe mạnh.
Ánh sáng:
Ngũ gia bì là loại cây ưa ánh sáng, bởi vậy bạn cần đảm bảo vị trí trồng cây luôn có đủ sángd, tuy vậy nên tránh để cây trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt. Tốt nhất là để cây ở giếng trời, bên góc cửa sổ, ban công.
Nếu bạn trồng trong chậu ở văn phòng, thường xuyên tiếp xúc với điều hòa và ánh sáng đèn thì mỗi tuần nên mang cây ra phơi nắng khoảng 1 giờ.
Nước:
Cây Ngũ gia bì cũng rất ưa nước, do đó bạn nên đảm bảo tưới nước đều đặn để cây phát triển khỏe mạnh.
Nếu trồng ngoài trời, tốt nhất nên tưới mỗi ngày một lần, còn nếu trồng trong chậu trong nhà thì chỉ cần tưới hai ngày mỗi tuần là được.
Khi trồng trong chậu, bạn cần chú ý lượng nước để tưới cho phù hợp. Tốt nhất là tưới ẩm 3/4 số đất, khi nào thấy đất khô hẳn thì tưới lại. Như vậy sẽ đảm bảo cây được cấp đủ nước mà không tạo điều kiện cho vi khuẩn, sâu hại phát triển.
Nhiệt độ:
Cây sinh sống tốt ở môi trường nhiệt đới như Việt Nam nên bạn không cần quá lo lắng về vấn đề nhiệt độ. Dù vậy, nhiệt độ để cây phát triển tốt nhất giao động ở khoảng 25 – 30 độ C.
Nếu nhiệt độ xuống quá thấp, khoảng dưới 5 độ C có thể làm cây bị rụng lá.
Sâu bệnh
Cây thường gặp các vấn đề về rầy nâu, nhất là giai đoạn cây đang ra lá non. Bạn có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này bằng việc thường xuyên kiểm tra thân và lá cây để loại bỏ rầy nâu khi cây vừa gặp phải.
Nếu cây bị rầy hơi nặng thì có thể sử dụng thuốc trừ rầy Diazan 2 lần mỗi tuần cho tới khi hết bệnh.
Trên đây là những thông tin về cây Ngũ gia bì mà bạn cần quan tâm nếu muốn trồng một cây trong nhà hay văn phòng của mình.
Hy vọng bạn đã có đủ kinh nghiệm để có thể tự mình chăm sóc, mang tới tài vận cho bản thân và gia đình.