Cây muồng hoàng yến hay còn gọi bằng những cái tên như hoa bò cạp vàng, hoa Osaka là một trong những biểu tưởng cho vẻ đẹp mùa hè.
Mỗi khi đến mùa nở hoa, cây hoàng yến tỏa ra sắc vàng rực rỡ khắp các con phố, mang lại vẻ đẹp độc đáo khó cưỡng.
Nếu bạn muốn trồng một cây muồng hoàng yến để tô điểm cho không gian sống của mình, đừng bỏ qua những thông tin về loài cây này dưới đây.
Đặc điểm cây muồng hoàng yến
Để hiểu rõ hơn về cây hoa hoàng yến, bạn có thể tham khảo những đặc điểm, đặc tính sau đây.
- Tên: Muồng hoàng yến, Hoa hoàng yến
- Tên gọi khác: Muồng hoàng hậu, Hoa lồng đèn, Bò cạp nước, Bò cạp vàng, Mai dây, Cây xuân muộn, Mai nở muộn, Osaka hoa vàng.
- Họ: Đậu (Fabaceae)
- Tên khoa học: Cassia fistula
Hoàng yến là loài cây thân gỗ, có nguồn gốc từ các nước Nam Á và Đông Nam Á. Cây có kích thước khá lớn, cao từ 5 – 20m, đường kính thân khoảng 40cm, thậm chí còn cao lớn hơn nếu sinh sống ngoài tự nhiên.
Vỏ cây hơi nhám, dày khoảng 6mm – 1cm và chia làm 2 lớp, lớp vỏ màu xám trắng và thịt vỏ phía trong màu hồng. Phần lõi cây rất cứng và chắc chắn nên thường được sử dụng trong xây dựng.
Cây có nhiều cành nhánh, tỏa đều giúp cây rậm rạm, tỏa bóng tốt. Lá cây có hình bầu dục nhọn dần về phía đầu, mọc đối, dài từ 5 – 20cm và rộng từ 5 – 10cm. Bề mặt lá nhẵn, viền trơn và các đường gân hơi mờ.
Muồng hoàng yến thường nở hoa vào mùa hè, khoảng từ tháng 5 – 7. Hoa hoàng yến có dạng chùm dài từ 20 – 40cm, rũ xuống dưới, mỗi chùm thường có khá nhiều hoa.
Mỗi bông hoa khi nở sẽ bung ra nhiều cánh hoa màu vàng đẹp mắt, có đường kính khoảng 4 – 7cm. Các bộ phận trên hoa như cánh hoa, bầu, nhụy, bao phấn đều có phủ một lớp lông tơ khá mịn.
Đặc biệt, tới mùa nở hoa thì lá sẽ rụng bớt, để lại trên cây hoàng yến những chùm hoa màu vàng rực rỡ, rũ xuống vô cùng đẹp mắt.
Sau khi nở thì hoàng yến cũng ra quả, có dạng hình trụ, nhiều đốt, dài từ 20 – 60cm, quả khi già sẽ khô và cứng lại, bên trong là hạt hình trái xoan.
Về đặc tính sống, hoàng yến hay Osaka vàng sinh trưởng nhanh, phù hợp với nhiều điều kiện sống, ưa sáng, ưa ẩm nhưng vẫn có thể chịu hạn, không chịu được ngập úng.
Công dụng cây hoa hoàng yến (Osaka vàng)
Nhờ khả năng sinh trưởng nhanh, tán rộng nên cây muồng hoàng yến, hay hoa bò cạp vàng, Osaka vàng thường được lựa chọn để làm cây cảnh che bóng mát.
Các vị trí thường xuất hiện cây hoàng yến khá đa dạng, từ đường phố, vỉa hè, khu đô thị, bệnh viện, công viên, khu công nghiệp, trường học cho đến sân vườn biệt thự…
Những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng thường trồng cây hoàng yến để thu hút khách du lịch vào mỗi dịp hoa nở.
Một vài nhà hàng, quán cà phê hay người chơi cây cảnh còn giới hạn chiều cao của cây rồi trồng trong chậu để trang trí bên trong không gian sống.
Ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ, nhờ tán lá rậm rạp mà cây hoàng yến còn có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn, mang tới không gian trong lành hơn.
Lớp trong của vỏ cây có màu hồng nên thường được chế biến để làm thành thuốc nhuộm. Phần gỗ được sử dụng trong xây dựng và làm đồ nội thất.
Theo các ghi chép Đông y, các bộ phận của cây muồng hoàng yến còn được chiết xuất để điều trị nhiều bệnh như sốt, viêm khớp, xuât huyết, cảm lạnh, bệnh ngoài da và các bệnh về đường tiêu hóa.
Một loài cây không chỉ đẹp mà còn mang lại nhiều lợi ích đúng không nào.
Cây muồng hoàng yến giá bao nhiêu?
Muồng hoàng yến hiện nay được bán tại nhiều đại lý cây giống, mỗi nơi lại có một mức giá khác nhau. Nhìn chung, nếu mua cây còn trong bầu thì giá dao động từ 50.000 – 100.000đ.
Nếu mua cây đã lớn thì mức giá có thể lên tới vài trăm nghìn, thậm chí vài triệu đồng tùy kích cỡ và hình dáng cây.
Tốt nhất bạn nên liên hệ từng đại lý để được tư vấn kỹ hơn về giá cả.
Cách trồng chăm sóc hoa hoàng yến
Hoa hoàng yến (bò cạp vàng) sinh trưởng nhanh, lại phù hợp với nhiều điều kiện môi trường nên cách trồng và chăm sóc khá đơn giản.
Cách trồng cây hoa hoàng yến
Đất trồng
Để cây con phát triển nhanh, bạn nên chuẩn bị đất giàu dinh dưỡng một chút, tốt nhất là trộn đất cùng với phân chuồng, vỏ trấu, xơ dừa… vừa tăng dưỡng chất, vừa đảm bảo độ tơi xốp và khả năng thoát nước cho đất.
Nhân giống
Muồng hoàng yến thường được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt. Theo đó, sau khi chọn được hạt giống chắc khỏe, bạn ngâm hạt trong nước nóng từ 48 – 52 độ khoảng 5 phút. Tiếp đó mang hạt giống ủ trong vải ẩm để hạt dễ nứt nanh.
Chuẩn bị bầu đất với kích thước khoảng 10x12cm, vùi hạt vào trong bầu, lấp lên một lớp đất mỏng, không nén quá chặt. Tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm, một thời gian sau là cây sẽ nảy mầm.
Trồng cây
Khi cây con trong bầu đã đạt đủ kích thước, khoảng 20 – 40cm thì bạn bắt đầu chuyển cây để trồng ra đất.
Đào hố có kích thước lớn hơn bầu đất một chút, xé bao nilon sao cho không hư hại tới hình dáng bầu. Đặt bầu cây xuống hố rồi lấp đất lại, nén đất nhẹ và tưới nước đều đặn là cây sẽ phát triển bình thường.
Vì cây muồng hoàng yến cần nhiều không gian để sinh sống do đó bạn không nên trồng cây con quá sát nhau, phải cách nhau ít nhất từ 3 – 5m.
Cách chăm sóc hoa hoàng yến
Cách chăm sóc cây muồng hoàng yến cũng không có gì quá khó khăn, bạn chỉ cần lưu ý một vài điểm sau đây.
- Tưới nước: muồng hoàng yến có thể chịu hạn, chịu mặn tốt, nên nếu cây đã lớn thì hầu như không cần phải tưới nước. Khi cây còn nhỏ thì bạn cần chú ý bổ sung nước cho cây mỗi tuần 2 lần, mỗi lần không tưới quá nhiều để tránh làm úng rễ.
- Dinh dưỡng: bạn có thể định kỳ bón phân NPK cho cây mỗi 2 – 3 tháng 1 lần. Vào giai đoạn gần ra hoa bạn có thể bón thêm để kích thích cây.
- Ánh sáng: là loài cây ưa sáng, bạn nên trồng cây ở những nơi không gian rộng, nhiều ánh nắng. Khi cây còn nhỏ thì cần có biện pháp che chắn mỗi khi nắng gắt hoặc gió to.
- Nhiệt độ: biên độ nhiệt tốt nhất để cây hoàng yến phát triển là từ 18 – 28 độ C. Dù vậy nếu nắng gắt hay lạnh hơn một chút thì cũng không vấn đề gì.
- Phòng trừ sâu bệnh: trong quá trình chăm sóc, nếu thấy xuất hiện lá vàng, héo thì cần cắt bỏ và bổ sung nước, bón thêm phân cho cây ngay. Ngoài ra, cây còn hay bị sâu đục thân nên bạn hãy quét vôi ở gốc cây đồng thời mua thuốc phun kịp thời nhé.
Một loài cây không chỉ đẹp mà còn mang tới nhiều công dụng, lại có cách chăm sóc đơn giản. Không trồng một cây muồng hoàng yến để làm cảnh thì thật lãng phí.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có đủ kinh nghiệm để thực hiện điều đó.