Kỹ thuật trồng cây lạc ( đậu phộng) cho năng suất cao
Cây lạc hiện nay được rất nhiều bà con trên mọi miền đất nước gieo trồng. Hiệu quả kinh tế khá cao, ít công sức chăm sóc. Là loại cây công nghiệp ngắn ngày, dễ trồng, thích hợp trong cơ cấu luân canh tăng vụ, cải tạo đất.
1. Đặc điểm chung về cây lạc:
– Là cây công nghiệp ngắn ngày, cây lấy dầu có giá trị kinh tế cao. Cây nguyên liệu quan trọng của công nghiệp chế biến.
– Cây lạc phát triển thuận lợi trong khoảng nhiệt độ từ 24-33 độ C. Lạc là cây trồng chịu hạn song chỉ có khả năng chịu hạn ở một giai đoạn nhất định. Nước là yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, đặc biệt ở thời kỳ sinh trưởng sinh thực.
– Cây lạc có thời gian sinh trưởng khoảng 100-130 ngày. Củ lạc là quả của cây lạc được bắt đầu từ việc ra hoa, thụ phấn thụ tinh trên mặt đất thành tia quả rồi nhanh chóng đâm xuống đất ở độ sâu 3-7 cm và phình ra theo chiều ngang mà thành củ.
– Trong kỹ thuật trồng lạc phải tạo điều kiện cho lạc ra hoa tập trung (thời kỳ ra hoa rộ chỉ khoảng 10-15 ngày) tạo điều kiện thuận lợi để tia quả phát triển.
2. Đất trồng:
– Đất thích hợp nhất là đất có độ pH từ 5,5 – 6,5 để tạo điều kiện cho vi khuẩn nốt sần phát triển.
– Đất phải đảm bảo cao ráo, tơi xốp, thoát nước nhanh để tia lạc dễ đâm vào đất.
3. Kỹ thuật trồng:
Chọn giống:
– Tiêu chuẩn của hạt giống: Không lẫn, không sâu bệnh. Chọn hạt giống to, mẩy, vỏ sáng, không sây sát, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%. Hạt giống khi đem trồng phải bảo đảm cho hạt to và đều.
– Xử lý giống trước khi gieo trồng: Ngâm hạt trong nước từ 10-12 giờ. Vụ Xuân nếu trời rét thì dùng nước ấm 40-45 độ C (2 sôi +3 lạnh) ngâm trong 12 giờ, sau đó ủ cho nứt mầm rồi đem gieo, không để mầm nhú dài.
Mật độ gieo trồng:
– Mật độ 33 cây/m2, 30cm x 10cm x 1hạt (hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 10cm, gieo 1hạt/lỗ) hoặc 30cm x 20cm x 2 hạt.
– Ứng với lượng giống 200 kg lạc vỏ/ha đối với dùng lạc vụ Xuân để giống và từ 150-160kg/ha đối với lạc vụ Hè thu để giống
Làm đất, phủ nilon, gieo hạt:
Làm đất:
– Đất được cày 2-3 lần và sâu 25-30cm, cứ mỗi lần cày là 3 lượt bừa.
– Đất phải nhỏ, tơi, xốp và sạch cỏ dại.
– Lên uống: Không phủ nilon rãnh sâu 15-20cm, luống rộng 2-2,5m.
Phủ nilon luống rộng 1m , rãnh giữa hai luống rộng 20cm, luống có hình lưng rùa, mỗi luống rạch 4 hàng.
Gieo Hạt:
– Đối với lạc không che phủ ni lon: Sau khi làm đất và bón lót phân thì tiến hành gieo hạt.
– Đối với lạc phủ nilon tiến hành theo các bước như sau:
Trong vụ Hè thu, vụ Thu đông:
Bước 1: Sau khi lên luống, rạch hàng sâu 8-10cm.
Bước 2: Bón toàn bộ phân chuồng và phân vô cơ vào rãnh đã rạch. Sau đó lấp phân để lại độ sâu 3-4cm.
Bước 3: Dùng thuốc diệt cỏ phun lên mặt luống.
Bước 4: Dùng cuốc gạt nhẹ đất 2 bên mép luống đã lên sẵn về phía rãnh.
Bước 5: Phủ nilon trên mặt luống sau đó vét đất ở rãnh ập nhẹ vào 2 bên mép luống để cố định nilon.
Bước 6: Sau khi phủ nilon dùng dụng cụ đục lỗ theo kích thước như trên.
Bước 7: Hạt giống được gieo vào lỗ đã đục sẵn, mỗi lỗ 2 hạt sâu 3-4cm.
Trong vụ Xuân:
Bước 1: Sau khi lên luống rạch hàng sâu 8-10cm.
Bước 2: Bón toàn bộ phân chuồng và phân vô cơ vào rãnh đã rạch. Sau đó lấp phân để lại độ sâu 3-4 cm.
Bước 3: Tiến hành gieo hạt theo khoảng cách như trên sau khi đã lấp phân. Chú ý phủ hạt phẳng mặt luống.
Bước 4: Phun thuốc trừ cỏ lên mặt luống.
Bước 5: Dùng cuốc gạt nhẹ đất 2 bên mép luống đã lên sẵn về phía rãnh.
Bước 6: Phủ nilon trên mặt luống sau đó vét đất ở rãnh ập nhẹ vào hai bên mép luống để cố định nilon.
Bước 7: Đục cắt nilon ngay sau khi mầm nhú ra khỏi mặt đất để cho cây trồi ra ngoài nilon.