For a better experience please change your browser to CHROME, FIREFOX, OPERA or Internet Explorer.
Kỹ thuật trồng nấm rơm bằng mùn cưa giúp tăng cao năng suất

Kỹ thuật trồng nấm rơm bằng mùn cưa giúp tăng cao năng suất

Trồng nấm rơm trên mùn cưa để đạt được năng suất cao và chất lượng nấm tốt cần hiểu rõ về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Fao xin chia sẻ cách trồng nấm rơm bằng mùn cưa tại nhà sẽ giúp ích bà con rất nhiều trong việc việc rút ngắn thời gian và công sức.

Cách trồng nấm rơm bằng mùn cưa

Nấm rơm là một trong những loại thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất cho sức khỏe của con người. Do đó, gần đây nhiều bà con tham gia hoạt động nuôi trồng loại nấm này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được cách thức trồng nấm rơm tiêu chuẩn. Kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà bằng mùn cưa với các bước tiến hành như sau:

Cách trồng nấm rơm bằng mùn cưa tại nhà

1, Xử lý nguyên liệu trồng

Đối với mùn cưa, cần tưới nước vôi tỉ lệ 3% đều lên cho ướt, đảm bảo nguyên liệu đạt độ ẩm khoảng 50-60% trong khoảng 15 ngày là vừa. Nguyên liệu được chất thành đống rộng từ 1,5-2m và cao khoảng 1,2m.

Trong quá trình ủ, cần duy trì nhiệt độ trong đống ủ đạt 60-70oC sau vài ngày. Cứ sau 5 ngày thì đảo nguyên liệu một lần, cần đảo từ dưới lên trên, trong ra ngoài giúp đống ủ được đều.

Lưu ý khi ủ mùn cưa:

Định kì kiểm tra độ ẩm của đống ủ. Tưới thêm thêm nước vôi khi thấy khô để giữ độ ẩm cho mùn cơ.

Thay bằng việc phải mua nấm rơm ở ngoài chợ, trồng nấm rơm tại nhà là xu hướng được nhiều người quan tâm

Thay bằng việc phải mua nấm rơm ở ngoài chợ, trồng nấm rơm tại nhà là xu hướng được nhiều người quan tâm

Tại sao phải ủ mùn cưa?

  • Ủ mùn cưa nhằm làm thành phần của mạt cưa phân giải thành các chất dễ tiêu để nấm dễ hấp thu.
  • Ủ kích thích xạ khuẩn để quá trình phân hủy mùn cưa được diễn ra nhanh, tốt hơn.
  • Trong quá trình ủ, nguyên liệu sẽ được làm chín và một phần vi sinh có hại trong mùn cưa bị tiêu diệt.

Bổ sung dưỡng chất cho mùn cưa:

Bổ sung thêm dinh dưỡng vào đống ủ là mẹo giúp nâng cao năng suất. Các loại Phân hữu cơ (như phân hữu cơ từ xác thực vật, phân chuồng…), khoáng (tro,…) và phân vô cơ (ure, SA, DaP, NPK…) … bổ sung dưỡng chất rất tốt.

Lưu ý khi bón trộn:

  • Bổ sung các loại phân hữu cơ không quá 20% khối lượng đống ủ.
  • Bổ sung phân vô cơ không quá 50% khối lượng đống ủ.
  • Bổ sung khoáng cần khoảng 1%.

Mùn cưa phải được xử lý kỹ trước khi trồng nấm

Mùn cưa phải được xử lý kỹ trước khi trồng nấm

2, Chuẩn bị địa điểm

Chọn địa điểm trồng nấm sao cho sạch sẽ, cao ráo, bằng phẳng không bị ngập úng. Có thể trồng nấm ngoài trời.

Tuy nhiên, cần tránh những nơi chăn nuôi, khu vực có chứa rác thải, nước thải sinh hoạt. Dọn sạch rác, cỏ của khu đất trước khi tiến hành trồng và rải vôi để diệt khuẩn.

3, Gieo meo giống

Meo giống cần đảm bảo tốt, đúng tuổi và không nhiễm tạp khuẩn. Đây là khâu quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng nấm.

Bịch meo tốt cần đảm bảo: Sợi tơ nấm có màu trắng trong, lốm đốm màu hồng, khi mở nắp bịch tỏa ra mùi thơm đặc trưng của nấm rơm. Một bịch meo giống nặng trung bình 120g.

Chú ý: Không chọn bịch meo giống có đốm màu đen, nâu hoặc vàng cam. Tránh chọn bịch meo có mùi hôi chua, phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão.

4, Gieo trồng nấm

Có nhiều cách trồng như: Dùng khuôn gỗ, rổ nhựa hoặc trực tiếp đắp mô nấm bằng tay.

Trồng bằng phương pháp vô khuôn:

Dùng khuôn có dạng hình thang đáy cụt, hở ở 2 mặt. Đắp nguyên liệu vào khuôn theo thành từng lớp. Mỗi lớp dày một tấc (10cm).

Cấy giống thành từng điểm, cách bìa mô từ 5- 10cm và cách nhau khoảng 20 cm. Tùy mỗi mùa mà điều chỉnh chiều cao của mô sao cho phù hợp.

Vào mùa nóng, chất mô thấp cấy khoảng 3 lớp. Còn mùa lạnh, chất mô cao cấy khoảng 4 lớp. Cần chú ý đến công đoạn này nhiều hơn vì đây là một trong các khâu quan trọng nhất giúp quyết sự phát triển của nấm.

Phương pháp này phù hợp với trồng phủ bạt kín ngoài trời hoặc trồng trong nhà có kệ. Phủ bạt để giữ ẩm và giữ nhiệt nếu thời tiết mát.

Trồng bằng phương pháp đắp mô:

Rải mùn cưa dày khoảng 5cm, rộng từ 30-40cm theo hai đường meo hai bên luống. Rải tiếp lớp bã thải thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4. Vuốt mặt ngoài mô cho láng.

Cuối cùng, tiến hành phủ một lớp rơm mỏng bên ngoài lên làm áo mô. Chú ý chọn loại rơm sạch, không bị nhiễm nấm mốc, nấm dại.

Quá trình chăm sóc và thu hoạch nấm rơm

 

Cách trồng nấm rơm bằng mùn cưa mang lại hiệu quả tốt nếu như trồng đúng kỹ thuật và môi trường phù hợp

Thời gian nuôi ủ tơ (ươm sợi):

Nuôi ủ tơ là giai đoạn quan trọng, cần quan tâm nhiều đến việc theo dõi độ ẩm và nhiệt độ. Với độ ẩm phù hợp sẽ giúp tạo nên nhiệt độ thích hợp cho tơ nấm.

Dư độ ẩm dễ dẫn tới mô bị lạnh, thiếu ẩm lại khiến tơ chậm phát triển hơn. Cần đảm bảo ẩm độ của cơ chất là ổn định ở 55-60%, ẩm độ khu vực trồng 80-90%.

Nấm rơm là nấm ưa nhiệt nên nhiệt độ nên từ 32-37oC. Cần để ý giữ ấm cho mô nấm. Thường xuyên theo dõi nhiệt độ bằng nhiệt kế. Đảm bảo sao cho nhiệt độ trong mô luôn luôn giữ trên 35oC. Khi nhiệt độ xuống thấp, có thể dẫn đến mô bị thiếu ẩm (nước).

Sau khi làm xong mô phải phơi mô khoảng 2 đến 3 nắng cho khô bề mặt (tránh mốc hoặc nhiễm tạp), sau đó ta là làm áo mô. Áo mô là phần bao phủ bên ngoài, nhằm che chắn bớt ánh sáng và giữ ấm cũng như ẩm cho mô nấm.

Theo kinh nghiệm trồng của những người trong nghề thì ta nên lấy rơm phủ thành 2 lớp. Lớp dày, rơm tốt hơn, để che chở ngoài và lớp mỏng chủ yếu là rơm vụn, lót (đệm) ở trong. Tùy vào từng thời tiết mà ta có thể có chế độ che chắn cây trồng cho phù hợp.

Tưới nước để duy trì ẩm độ của mô: Dùng thùng tưới nước có vòi búp sen có tia nhỏ để không làm hư tơ nấm, đặc biệt là những nụ nấm nhỏ.

Tưới nước:

Hạn chế tưới nước trong giai đoạn ủ tơ vì dễ khiến nấm dại phát triển gây ảnh hưởng đến nấm trồng. Vào những tháng nắng gắt, cần tưới nước nền đất xung quanh mô, để bổ sung độ ẩm cho mô và giúp hạ nhiệt.

Khoảng 12-17 ngày sau khi xếp mô, sẽ thấy xuất hiện nụ nấm màu trắng và đan thành mạng nhện bên hông mô hoặc ngửi thấy mùi meo nấm rơm.

Lúc này, cần tăng lượng nước tưới và bảo đảm sao cho nước đều khắp mặt mô nấm. Nước giúp làm giảm nhiệt độ, kích thích tơ nấm phát triển.

Tùy theo thời tiết, thông thường thu hoạch sau khoảng 15-20 ngày sau khi cấy meo. So với nấm trồng trên rơm, nấm rơm trồng trên mùn cưa có thời gian ra quả thể lâu hơn khoảng 3-7 ngày.

Thu hái nấm:

Nấm rơm chỉ thu hoạch được trong khoảng 3-4 ngày nên cần phải tranh thủ thu hái nấm

Nấm rơm chỉ thu hoạch được trong khoảng 3-4 ngày nên cần phải tranh thủ thu hái nấm

Chọn hái các búp hơi nhọn đầu trước, dùng tay xoay nhẹ để tách tai nấm ra khỏi mô. Cần chú ý để không sót lại chân nấm bị đứt trên mô. Sau khi thu hoạch xong, đậy kỹ áo mô lại.

Thời gian thu hoạch một đợt nấm chỉ kéo dài khoảng 3-4 ngày, nhiều nhất là ngày thứ 2 và 3. Sau khi hái đợt 1 ta ngưng tưới 1 ngày rồi tiếp tục chăm sóc lại như lúc đầu.

Trồng nấm rơm trên mùn cưa là phương pháp rất đơn giản và dễ làm. Hiện nay, đã có nhiều nơi áp dụng kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà bằng mùn cưa đạt hiệu quả kinh tế cao. Hy vọng những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bà con             muốn thử sức với việc trồng nấm rơm.

Nguồn: fao.org.vn

Bản Tin Xanh

Tin Hot
Top