Cây Chuông vàng hay còn gọi là cây Huỳnh liên, với khả năng che bóng mát, kèm với đó là màu sắc rực rỡ sẽ là lựa chọn tuyệt vời để bạn tô điểm cho không gian sống của mình.
Nếu bạn đang muốn trồng một cây hoa chuông vàng để làm mới cảnh quan thì việc hiểu rõ đặc điểm, đặc tính của cây là cần thiết.
Những thông tin về cây chuông vàng dưới đây có thể giúp bạn điều đó.
Đặc điểm cây hoa Chuông vàng
Cây chuông vàng có vẻ ngoài rất nổi bật, bạn sẽ không khó để nhận ra. Dưới đây là những đặc điểm và đặc tính chính mà bạn nên tham khảo.
- Tên: Chuông vàng
- Tên gọi khác: Huỳnh liên
- Họ: Chùm ớt (Bignoniaceae)
- Tên khoa học: Tabebuia argentea
Là cây thân gỗ có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ, cây chuông vàng có chiều cao từ 2 – 15m tùy theo môi trường sống, nếu được trồng làm cảnh trong chậu, cây có thể chỉ cao dưới 1m.
Thân cây khá nhỏ, có vỏ màu xám và khá nhám, dọc thân cây là các lằn sọc. Các cành mọc nhiều, chĩa ra từ thân chính và khá giòn.
Bộ rễ của cây hoa chuông vàng khá đồ sộ, lan rộng và đâm sâu, nhờ đó cây có thể sống và sinh trưởng tốt trong điều kiện khô cằn.
Cây có lá dạng kép chân vịt, bề mặt bóng, mép trơn. Các lá thường mọc chụm ở phía đầu cành, hình thon và dài khoảng 5 – 8cm, đầu lá bo tròn chứ không nhọn, có màu xanh bạc.
Điểm nổi bật của cây chuông vàng đến từ hoa. Hoa chuông vàng thường nở vào khoảng tháng 3 – 5, có hình dáng giống cái chuông, màu vàng rực rỡ và mọc thành chùm. Mỗi khi đến mùa ra hoa, lá cây sẽ rụng, để lại trên cây chỉ một màu vàng vô cùng nổi bật.
Bạn sẽ phải ngỡ ngàng khi đi trên con đường mà dọc hai bên là một dãy cây chuông vàng nở hoa sáng rực.
Về đặc tính, cây chuông vàng sinh trưởng khá nhanh, ít sâu bệnh, ưa các khu vực nhiều ánh sáng, thoáng mát. Cây không chịu được ngập úng nên đất trồng phải đảm bảo được khả năng thoát nước.
Công dụng của cây Chuông vàng
Là loài cây mang màu sắc rực rỡ, tươi mới, kèm với đó là khả năng che bóng mát, cây chuông vàng thường được trồng làm cây cảnh tại các khu vực như công viên, trường học, vỉa hè, dọc đường, sân vườn, bệnh viện, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng và các không gian công cộng khác.
Nhiều người còn giới hạn chiều cao của cây để trồng trong chậu, trưng bày trong nhà, nhà hàng, khách sạn…
Với cây chuông vàng, không gian sống của bạn sẽ được tăng cường sức sống, trở nên tươi tắn sinh động hơn.
Khi hoa nở, mùi hương hoa nhè nhẹ cũng giúp bạn giải tỏa căng thẳng, cải thiện tinh thần rất tốt.
Khổng chỉ có tác dụng làm cảnh, một vài bộ phận của cây chuông vàng như rễ cây còn có thể được chiết xuất để chữa các bệnh như sốt, trị độc, giảm đau, chống say tàu xe, tất nhiên là với liều lượng phù hợp.
Cây Chuông vàng hợp mệnh nào?
Theo phong thủy, cây chuông vàng không hề kén người trồng. Dù bạn thuộc tuổi hay mệnh nào cũng đều có thể trồng cây chuông vàng.
Đặc biệt, những người thuộc mệnh Kim được cho là phù hợp nhất với cây chuông vàng, khi trồng sẽ mang lại may mắn, gặp nhiều thuận lợi.
Cách trồng và chăm sóc hoa Chuông vàng
Cách trồng cây chuông vàng
Chuẩn bị đất trồng
Chuông vàng sinh trưởng tốt nhất trong môi trường thoáng mát, do đó bạn nên trồng trên đất tự nhiên. Tất nhiên, nếu bạn trồng trong chậu thì cây vẫn sống nhưng không thể đẹp như trồng ở bên ngoài.
Đất trồng không cần quá màu mỡ nhưng phải đảm bảo độ tơi xốp và thoát nước tốt. Tốt nhất là bạn trộn thêm ít xơ dừa, phân chuồng và các loại tro trấu…
Trồng cây
Bạn có thể trồng cây chuông vàng theo 2 cách là gieo hạt trong bầu hoặc giâm cành. Trong đó giâm cành được lựa chọn nhiều hơn vì cây dễ sống, sinh trưởng nhanh.
Đầu tiên bạn cần đào hố trồng trước khoảng 1 tuần.
- Nếu trồng bằng bầu giống: sau khi gieo hạt và cây nảy mầm, bạn đặt bầu xuống hố đất sao cho miệng bầu ngang miệng hố. Lấp đất lại và nén chặt để mặt đất bằng phẳng rồi tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm để cây tiếp tục phát triển.
- Nếu trồng bằng giâm cành: từ cây chính, bạn chọn ra một cành to khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh. Cắt sát gốc cành rồi ngâm vào nước có dung dịch kích rễ. Sau khi cành ra rễ thì mang trồng xuống đất, tiếp tục chăm sóc để cây sinh trưởng.
Trong thời gian đầu, cây con khá yếu ớt, dễ gãy đổ nên bạn cần chú ý che chắn kỹ, tránh ánh nắng gay gắt hay gió to làm đổ cây. Tưới nước đều đặn nhưng mỗi lần chỉ tưới 1 ít để tránh gây ngập úng. Khi cây lớn thì việc tưới tắm đơn giản hơn nhiều.
Cách chăm sóc cây chuông vàng
Với một cây công trình kích thước vừa, quá trình chăm sóc hoa chuông vàng khá đơn giản. Bạn không cần phải chăm bón quá nhiều, cụ thể như sau:
- Tưới nước: bạn chỉ cần tưới nước đều khi cây còn nhỏ, khi cây đã lớn hơn thì mỗi tuần chỉ cần tưới 1 lần để cấp ẩm cho đất là đủ. Bạn không nên tưới quá đẫm có thể khiến cây bị ngập úng.
- Ánh sáng: là loại cây ưa sáng, bạn nên trồng cây chuông vàng ở những nơi thoáng mát. Rất phù hợp với các không gian rộng lớn như sân vườn, công viên, bệnh viện, trường học…
- Dinh dưỡng: chuông vàng thưởng ra hoa ở năm thứ 2, bởi vậy trong năm đầu bạn cần chú ý về dinh dưỡng để cây phát triển tốt. Hợp lý nhất là bạn bón phân NPK mỗi 2 tháng một lần. Mỗi lần bón cũng chỉ cần rải một lớp mỏng xung quanh cây chứ không cần bón quá nhiều đâu.
- Cắt tỉa: vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa, bạn nên hạn chế tưới nước để cây rụng lá và kích thích cây ra hoa. Sau khoảng 1 tháng thì hoa héo, lúc này bạn nên cắt tỉa các lá già còn sót lại, bón phân nhiều hơn một chút để cây phát triển chu kỳ tiếp theo.
- Phòng trừ sâu bệnh: chuông vàng có sức sống khá tốt, ít khi bị sâu bệnh nên bạn không cần quá lo lắng. Dù vậy vẫn nên thường xuyên kiểm tra, nếu thấy dấu hiệu sâu, nấm hay sâu đục thân thì cần mua thuốc về để trị càng sớm càng tốt.
Trên đây là những thông tin về cây hoa chuông vàng hay còn gọi là cây huỳnh liên. Hy vọng qua đó bạn đã có đủ kinh nghiệm để trồng và chăm sóc một cây cho riêng mình.
Chúc bạn thành công.