Sản xuất nấm rơm hiệu quả cao nhờ chế phẩm sinh học A4
Nấm rơm là loại thực vật yêu cầu nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng nghiêm ngặt. Nếu cung cấp đầy đủ yếu tố nó cần thì tơ nấm và quả thể nấm sinh trưởng phát triển tốt. Nếu không thì ngược lại, thậm chí thất thu. Muốn trồng nấm rơm trong nhà đạt hiệu quả cao cần phải hiểu và tạo điều kiện nhà trồng nấm phù hợp với các yếu tố sau đây:
ĐIỀU KIỆN THÍCH HỢP – DỤNG CỤ VÀ VẬT TƯ TRỒNG NẤM RƠM
1. Nhiệt độ:
– Nhiệt độ thích hợp cho phát triển sợi nấm là 30-35 độ C, cho sự hình thành quả thể là 28-30 độ C.
– Nhiệt độ từ 10-20 độ C sợi nấm sinh trưởng phát triển yếu.
– Ở 20 độ C: Sau 12 giờ chết toàn bộ quả thể hình đinh ghim và đình chỉ sinh trưởng quả thể hình cầu.
– Nhiệt độ < 15 độ C > 45 độ C không bao giờ xuất hiện quả thể.
2. Độ ẩm:
Độ ẩm trong mô nấm (Độ ẩm nguyên liệu):
Sợi nấm có thể phát triển trong nguyên liệu có độ ẩm từ 40 – 90%, tốt nhất là 65 – 70%. Kiểm tra độ ẩm nguyên liệu bằng cách nắm nguyên liệu trong tay vắt mạnh:
– Nước không chảy ra (độ ẩm quá thấp).
– Nước chảy ra thành dòng (độ ẩm quá cao).
– Nước chảy ra kẻ tay (độ ẩm đạt yêu cầu).
Độ ẩm tương đối của không khí:
Độ ẩm tương đối của không khí có tác dụng điều hoà sự bốc hơi nước từ mô nấm và quả thể nấm ra không khí. Đo độ ẩm bằng ẩm kế.
– Độ ẩm không khí trong nhà nấm khoảng 80 – 90% là thích hợp nhất.
– Độ ẩm nhỏ hơn 60-70% gây chết toàn bộ nấm giai đoạn đinh ghim, đình chỉ sự sinh trưởng của nấm giai đoạn hình cầu. 80-85% gây chết một phần giai đoạn đầu đinh ghim, không ảnh hưởng đến giai đoạn khác. 90 – 100% rất tốt với giai đoạn đầu đinh ghim, nhưng có phần nào giảm phẩm chất ở một số giai đoạn khác.
3. Độ pH:
– PH là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu nhận thức ăn và hoạt động của các loại men. PH thích hợp nhất đối với nấm rơm là từ 7 – 8.
– Sử dụng giất quỳ để đo pH.
4. Ánh sáng:
– Nấm rơm không có diệp lục nên không cần ánh sáng để tổng hợp chất hữu cơ như thực vật màu xanh. Do đó thời kỳ sinh trưởng của sợi nấm không cần ánh sáng. Cường độ ánh sáng có thể đình chỉ các quá trình sinh trưởng và gây chết sợi nấm.
– Dùng ánh sáng khuyếch tán của mặt trời hoặc đèn điện Neon (Mỗi ngày chiếu sáng 2 lần, mỗi lần 30 phút đến 1 giờ) để hình thành thể quả. Nên bố trí luống nấm như thế nào để khi chiếu ánh sáng khuyếch tán sao cho ánh sáng đến khắp mọi nơi của bề mặt mô nấm để nấm xuất hiện đều cùng một lúc.
– Nếu cường độ ánh sáng quá mạnh (trực tiếp của mặt trời) cũng có thể gây chết toàn bộ nấm ở giai đoạn đầu đinh ghim (sau 1 giờ), gây chết 10-30% giai đoạn hình cầu. Nấm có màu xám lông chuột là ánh sáng vừa đủ.
5. Không khí:
Trong quá trình sinh trưởng của sợi nấm và phát triển của quả thể cần điều chỉnh độ thông khí. Độ ẩm nguyên liệu quá cao sẽ gây thiếu Oxy.
Hiện tượng thiếu oxy thường biểu hiện như sau:
– Quả thể giai đoạn đầu đinh ghim được hình thành dày đặc nhưng không tiếp tục sinh trưởng, sau vài ngày toàn bộ quả thể chết và mềm nhũn.
– Giai đoạn hình cầu không hình thành hoặc hình thành sắc tố đen rất chậm, thời gian ở giai đoạn hình cầu rất lâu.
– Quả thể nấm rơm bị thấm dịch từ môi trường làm cho bên trong quả thể biến thành màu nâu (màu của dịch môi trường).
6. Nguồn nước:
– Dùng nước sạch, không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không dùng nước thải công nghiệp, nước bẩn ao tù để tưới cho nấm và xử lý nguyên liệu.
– Dùng bình có vòi bông sen để tưới, tạo ra những tia nước nhỏ như mưa để nước dễ thấm đều vào mô, đồng thời không làm hại những nụ nấm mới hình thành.
7. Nguyên liệu:
Rơm rạ, bã mía, bông gòn, mùn cưa,…. Năng suất nấm rơm cao nhất hiện nay là trên bông thải (45%), nhưng tiện lợi hơn dùng rơm rạ, năng suất (14,5%-21,6%).
Yêu cầu:
– Rơm rạ phải thật khô dòn, sau khi gặt xong phơi khô, đánh đống bảo quản dùng dần. Nơi dự trữ không bị mưa dột, nếu để ngoài trời thì nên đánh đống thành cây, hoặc kê cao lên khỏi mặt đất 0,5 -1m.
– Rơm không bị mốc, không nhiễm nấm lạ, không nhiễm phèn, nhiễm măn. Rơm mới sau khi phơi khô chất đống một tuần mới được dùng.
Lưu ý:
– Rơm rạ lúa nếp tốt hơn lúa tẻ.
– Rơm rạ lúa ngắn ngày được xếp vào hạng thứ yếu (thiếu mới dùng).
– Rơm rạ gặt hái tại ruộng màu mỡ phù sa tốt hơn rơm rạ của ruộng bón phân hữu cơ. Còn rơm rạ của ruộng bón phân vô cơ lại thua rơm rạ của ruộng bón phân hữu cơ (phân chuồng).
– Rơm rạ mùa trước ( nếu được bảo quản tốt ) tốt hơn rơm rạ mới gặt.
8. Giống nấm (meo giống):
Giống nấm quyết định sự thành, bại trong sản xuất. Giống tốt cho năng suất cao và ngược lại.
Giống tốt:
– Giống không bị nhiễm bệnh, giống đúng tuổi, không quá già hoặc quá non, có mùi thơm dễ chịu.
– Giống không mốc xanh, mốc đen, giống không có mùi chua.
– Túi giống có màu trắng đồng nhất, không loang lỗ, sợi nấm ăn kín đáy, có mùi đặc trưng của giống nấm rơm. Túi giống phía trên có màu hồng nhạt.Tuổi giống từ 12 – 16 ngày tuổi (giống ăn kín đáy túi 2 – 3 ngày.)
– Thường từ khi sản xuất đến khi trồng không quá 25 ngày.
9. Địa điểm trồng và điều kiện thích hợp:
– Dù trồng ít hay nhiều mô nấm, nơi trồng nấm phải là nơi cao ráo, bằng phẳng và sạch sẽ (không gần ao tù, nước đọng, gần chuồng trại chăn nuôi,…).
– Trồng nấm rơm chuyên canh trong nhà phải làm 2 nhà để có thời gian xử lý nguồn bệnh sau vài đợt trồng nấm. Nếu trồng nấm trong nhà liên tục cả năm mà không xử lý nguồn bệnh thì sẽ bị nhiễm bệnh và năng suất thấp thậm chí thất thu.
10. Nhà trồng nấm:
Có 2 loại nhà: nhà ủ sợi và nhà trồng nấm.
Nhà ủ sợi: Rộng 2,6 m, dài 5 m và cao 2,4m trong nhà có 2 dãy kệ, kệ có kích thước: 0,6 x 4 x 1,65 (m) có 3 tầng. Có 1 cửa ra vào và 4 cửa thông gió. Thường 1 nhà ủ sợi dùng cho 5 – 7 nhà trồng nấm.
Nhà trồng nấm: tốt nhất có kích thước 3,3 x 5 x 2,4 (m).
– Tùy theo diện tích, quy mô mà làm nhà lớn hay nhỏ. Trước mắt làm 1 nhà, sau đó làm thêm một nhà nữa để tiện cho việc xử lý nguồn bệnh và làm luân phiên nhà này và nhà kia. Bố trí 1 cửa chính và 4 cửa thông gió ở 2 đầu.
– Nguyên tắc phải che kín toàn bộ để giữ ẩm và giữ nhiệt, có ánh sáng khuyếch tán chiếu vào. Nhà phải có cửa thoát nhiệt ở hai đầu hồi. Chiều cao nhà phải 2 -2,4m.
– Mái nhà có thể lợp bằng tranh, lá mía, lá dừa nưóc, tôn,… Trên mái tùy theo diện tích, kích thước nhà mà lợp 2 hoặc 4 tấm tôn nhựa để ánh sáng chiếu vào nhà (ánh sáng khuyếch tán). Xung quanh nhà và trần nhà bọc kín bằng nylon trắng, bên ngoài bọc thêm một lớp bạt.
– Trong nhà làm 3 – 4 dãy kệ tùy theo diện tích nhà. Khoảng cách giữa các kệ 50 cm để tiện đi lại chăm sóc thu hái.
11. Dụng cụ và vật tư trồng nấm:
– Giống nấm (meo giống) Phải đúng tiêu chuẩn ở (mục 8).
– Vôi xử lý rơm.
– Bể ngâm ủ: Có kích thước: 0,8 x 0,75 x 2m tương đương 1m3
– Kệ ủ rơm.
– Nylon ủ rơm.
– Nylon gói rơm. Kích thước tùy theo khuôn gỗ.
– Bình bơm tưới nấm.
– Nhiệt kế: Đo nhiệt độ.
– Ẩm kế: Đo ẩm độ.
– Giấy quỳ: Đo PH nước.
– Kệ trồng nấm: Tùy theo kích thước nhà trồng nấm.
– Khuôn nấm: 12 x 20 x 27cm
– Nhà trồng nấm có kích thước 3,3 x 5 x 2,4 m.
– Rơm: Đúng tiêu chuẩn ở (mục 7).
>>Xem tiếp phần 2: Cách trồng nấm rơm và sử dụng chế phẩm sinh học A4 trong các giai đoạn sinh trưởng.