Sâu hại trên cây cam thường gặp và biện pháp phòng trị hiệu quả
Cam là một trong những loại cây ăn trái được trồng nhiều nhất ở Việt Nam. Trong năm 2018, diện tích cam đạt 94,4 nghìn ha (tăng khoảng 7 nghìn ha so với năm 2017); sản lượng đạt 868,2 nghìn tấn (tăng 12,6% so với năm 2017). Điều đó đủ để cho thấy giá trị kinh tế của nó đưa lại cho người trồng là không hề nhỏ. Do diện tích trồng rộng và việc trao đổi giống xảy ra thường xuyên. Vì thế các loại sâu hại trên cây cam cũng bị lan truyền theo đó. Nếu không có biện pháp xử lý nó sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như giá trị kinh tế.
1. Các loại sâu hại trên cây cam
– Sâu vẽ bùa:
Đặc điểm: Bướm đẻ trứng vào ngọn non, sâu non nở ra ăn lá non, chui vào lớp biểu bì và ăn những mô mềm, làm cho biểu bì phồng lên. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn nghèo dị dạng nên gọi là vẽ bùa. Lá bị sâu ăn quăn lại, dễ rụng, vết sâu đục mở cửa cho nấm khuẩn xâm nhập.
Để xử lý sâu vẽ bùa cần phun định kỳ thuốc sâu sinh học để diệt trứng sâu và sâu non mới nở trên trái bằng các chế phẩm trừ sâu sinh học như BT (Bacillus thuringiensis). Bà con nên nhớ phun đẫm các mặt của trái để đạt hiệu quả nhất.
– Bọ xít xanh hại trái
Đặc điểm: Bọ xít to, màu xanh, vai nhô sang hai bên thành 2 cái gai dài. Bỏ trứng cái đẻ trứng trên đọt non. Sâu non lúc đầu hút nhựa ở các chồi non. Lớn lên sâu đâm vòi vào hút nhựa kể cả trái non, to và chín. Trái bị châm sẽ bị thối và rụng.
Biện pháp phòng trị: Để xử lý bà con có thể dùng vợt để bắt bọ xít vào buổi sáng. Sử dụng Nấm xanh nấm trắng kết hợp với phân bón lá để phun liên tiếp hai lần cách nhau 3 ngày.
– Nhện đỏ
Đặc điểm: Nhện đỏ là loài đa ký chủ có vòng đời ngắn (10-15 ngày) nên mật số tăng rất nhanh nhất là trong điều kiện khô hạn. Chúng có thể gây hại trên nhiều bộ phận của cây. Khi gây hại trên lá sẽ có những chấm nhỏ li ti. Khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc hoặc vàng, biến dạng. Sau đó có thể bị khô và rụng. Khi mật số nhện cao, cành non cũng bị làm cho khô và chết.
Trên trái: nhện thường sống tập trung ở phần lõm (cuống trái, đáy trái). Nhện chích hút dịch ở lớp biểu bì trái non làm vỏ trái bị biến màu. Các vết thương khô lại tạo nên những vết sần sùi gọi là da lu, da cám. Ảnh hưởng đến mẫu mã của trái.
Biện pháp phòng trị: Để xử lý vườn cây thường bị nhện gây hại nặng thì cứ mỗi đợt cây ra đọt, lá non nên phun xịt Nấm xanh nấm trắng kết hợp Amino acid 3 lần thuốc: lần 1 khi cây vừa nhú đọt non, lần 2 khi đọt non ra rộ và lần 3 khi lá non bước sang giai đoạn bánh tẻ.
– Ruồi đục trái:
Đặc điểm: Ruồi thích ẩn trong tán lá rậm rạp, khi bị động bay khá nhanh để lẩn tránh. Khi cam chín ruồi đẻ trứng vào vỏ quả. Sau 2-4 ngày dòi nở chui sâu vào trong phần múi quả để ăn tép cam cho tới khi đẫy sức. Quả cam bị hại sẽ thối và rụng. Trên vườn cam ruồi xuất hiện từ tháng 6-11, mỗi năm có 7-8 lứa.
Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc trừ sâu vẽ bùa và các loại sâu khác trong các tháng 7-8-9 cũng diệt được ruồi. Nhặt hết quả rụng chôn sâu để diệt dòi bên trong.
– Rệp sáp
Đặc điểm: Từ đầu mùa xuân, khi lộc non của cam bắt đầu phát triển thì rệp cái có cánh từ nơi cư trú bay đến đẻ ra rệp non. Dạng này có sức sinh sản rất mạnh, mỗi con 1 ngày đêm có thể đẻ được 20 -25 rệp non do đó mà tập đoàn rệp phát triển rất nhanh. Chúng ít di động, chỉ tập trung ở ngọn non, chích hút dịch cây, làm lá và chồi non cong queo.
Biện pháp phòng trừ: Dùng tay thu ngắt các lá hoặc cành có rệp để tiêu diệt, khi rệp sinh sản mạnh có thể sử dụng RS + Amino acid phun xịt đều lên các cành để diệt chúng.
– Rầy chổng cánh:
Đặc điểm: Rầy non và rầy trưởng thành chủ yếu sống ở cánh lá non. Rầy chích hút dịch cây, làm héo và rụng lá non.
Cần phun phòng định kỳ cho cây trước mỗi đợt ra lộc non bằng cách sử dụng Các chế phẩm sinh học như BT (Bacillus thuringiensi).
2. Biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu hại trên cây cam
– Kiểm tra cây giống kĩ, chọn lọc những cây khỏe mạnh, không có mầm bệnh.
– Kết hợp các biện pháp phòng để sâu hại không có môi trường phát triển bằng cách bón phân cân đối, không tưới quá nhiều nước, trồng không quá dày, vườn đủ ánh sáng.
– Giữ vệ sinh vườn, đem những cành, lá , quả bị sâu hại đi tiêu hủy, vệ sinh vườn thường xuyên, phát hiện sớm để có hướng giải quyết kịp thời.
– Tạo môi trường thuận lợi để các con Thiên địch sinh trưởng.
– Dùng thuốc là biện pháp có hiệu quả nhưng phải đúng lúc, đúng liều để vừa phòng trị được sâu hại vừa không ảnh hưởng đến thiên địch, vừa cân bằng sinh thái vườn.
Để lại thông tin nếu vườn bạn đang gặp vấn đề về cây trồng cần tư vấn !