Sâu vẽ bùa và biện pháp phòng trị sâu vẽ bùa trên cây chanh
Cây chanh có những sâu bệnh thường gặp như sau: sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nhện trắng, sâu đục thân, ghẻ loét , ghẻ sẹo, rệp sáp, thối nâu đít trái, vàng lá thối rễ, nứt thân xì mủ,…Bài viết này tôi sẽ giúp bà con nhận biết sâu vẽ bùa và biện pháp phòng trị sâu vẽ bùa trên cây chanh.
1. Đặc điểm hình thái, sinh thái sâu vẽ bùa:
Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistis citrella Staint. Sâu trưởng thành là một loại bướm rất nhỏ, thân hình mỏng mảnh, dài khoảng 2 mm. Thường hoạt động về đêm, ban ngày ẩn dưới lá.
Con cái trưởng thành, giao phối sẽ đẻ trứng trên hoặc bên trong bề mặt lá, gần gân chính. Trứng có hình bầu dục, rất nhỏ, dài khoảng 0,2 – 0,3 mm, trứng mới đẻ có màu trong suốt, khi sắp nở trứng có màu trắng vàng. Một con cái có thể đẻ tới 250 quả trứng.
Trong mười ngày hoặc ít hơn, trứng sẽ bắt đầu nở thành ấu trùng. Sâu mới nở có màu xanh nhạt trong suốt, dài khoảng 0,4 mm. Lớn lên sâu có màu vàng xanh dài khoảng 4 mm, mình sâu hơi dẹp, có 13 đốt.
Sâu non phát triển trong khoảng thời gian từ 4 – 10 ngày.
2. Tác hại của sâu vẽ bùa trên cây chanh:
Sâu mới nở đục phía dưới biểu bì lá. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên gọi là vẽ bùa. Đây là giai đoạn chúng ở mức tàn phá lớn nhất.
Sâu lớn dần thì đường đục cũng dần lớn theo. Khi đẫy sức sâu non đục ra mép lá, nhả tơ dệt kén để hóa nhộng ở đó.
Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23-29 độC, độ ẩm 85-90%. Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, nhiều nhất là tháng 7,8,9.
Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non. Nhưng mật số tập trung cao trong mùa mưa vì điều kiện thức ăn dồi dào và ẩm độ thích hợp (ẩm độ 80 – 90%). Vào mùa nắng, nhiệt độ nóng và khô trên các chồi non nên sâu vẽ bùa bị hại nhiều, mật số giảm đáng kể.
Lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại, uốn cong và biến dạng, nhất là lá non. Làm diện tích quang hợp và giảm khả năng sinh trưởng của các chồi non. Ảnh hưởng mạnh khi cây mới trồng và trên cành đang có hoa, trái. Vết đục của sâu tạo điều kiện vi khuẩn Xanthomonas campestris tấn công gây bệnh loét, làm lá bị rụng.
3. Biện pháp phòng trị sâu vẽ bùa trên cây chanh
Để xử lý sâu vẽ bùa trên cây chanh trước tiên bà con tiến hành cắt tỉa, loại bỏ các cành lá, chồi non bị sâu gây hại nặng đem đi tiêu hủy.
Bà con cho phun phòng trước mỗi lần cây ra lộc non bằng các chế phẩm trừ sâu sinh học như BT (Bacillus thuringiensis) kết hợp với Nấm ba màu. Phun xịt ướt đẫm thân cành lá. Bà con cho phun khi cây vừa nhú đọt, sau 7 ngày phun thêm lần 2.
Bón đầy đủ dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ, phân bón lá, phân trung vi lượng để giúp nâng cao sức đề kháng của cây trồng, cây trồng phát triển tốt lá to, lớp biểu bì dày khiến sâu non khó xâm nhập lá, hạn chế gây hại.
Bảo vệ các loài thiên địch trong vườn như Kiến vàng và ong các loại ong ký sinh họ Chalcidoidea và Ichneumonidea.
Thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện bệnh sớm để có hướng giải quyết kịp thời.