Thế giới phát triển theo mô hình nào?
Từ hơn bốn chục năm nay, con người đã bắt đầu nhận thức một cách sâu sắc về sức phá hoại của con người với nơi ở của mình là quả đất. Ô nhiễm làm bầu khí quyển nóng lên, tài nguyên thiên nhiên kiệt quệ, những bệnh mới xuất hiện khiến cho nhân loại ý thức được nguy cơ tử vong do chính mình gây ra. Nhiều chính phủ, tổ chức đã kêu gọi có hành động để ngăn chặn.
Nhưng những biện pháp thực hiện như muối bỏ bể. Với chủ nghĩa tiêu cực hiện đại và sự tranh giành bá quyền thế giới, môi trường thiên nhiên vẫn tiếp tục bị phá hoại. Những thiên tai kinh khủng như động đất, lụt, sóng thần ở khắp nơi (Nhật Bản, Haiti, Thái Lan…, ngay cả ở Việt Nam) vẫn chưa đủ cảnh tỉnh con người thôi tranh giành để cùng nhau cứu vớt tương lai nhân loại.
Cần cấp thiết thay đổi mô hình, khuôn mẫu phát triển của nhân loại. Đó là lời kêu gọi của Y.Berthelot, một chuyên gia lão thành của Liên hợp quốc, bài đăng trong nguyệt san Phát triển và các nền văn minh (số 355-Paris). Cả thế giới đang lao theo mô hình phát triển dựa vào kinh tế và thị trường dẫn đến những tai ương nói trên. Cần thay đổi ngay mô hình. Sau đây xin tóm tắt ý kiến của Y.Berthelot.
Có thể khẳng định: mô hình ra sức tiêu thụ của các nước phát triển làm chuẩn cho thế giới là một nguy cơ lớn. Muốn cho mọi dân tộc ngày nay tiêu thụ y như người dân trung bình ở Tây Âu thì phải cần có nguồn lợi thiên nhiên của… ba trái đất. Các nước đang vươn lên như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ cũng chạy theo khuôn mẫu ấy! Sống, tiêu thụ theo các nước giàu trở thành giấc mơ của các nước nghèo.
Cần nhấn mạnh khái niệm mô hình phát triển bền vững đã được Ủy ban Brundtland định nghĩa như sau, năm 1987: “Một sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không làm hại đến thế hệ tương lai với nhu cầu của họ”. Năm 1968, Câu lạc bộ Rôma đã cấp báo về sự ô nhiễm và sự hạn chế về nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khái niệm phát triển bền vững trở thành phổ biến sau định nghĩa Brundtland, cuộc họp thượng đỉnh về trái đất ở Rio, Brazil năm 1987 cùng nhiều cuộc họp quốc tế khác. Đầu thế kỷ 21, thiên tai liên tiếp (bão, cuồng phong, băng tan ở Bắc Băng Dương, khí hậu nóng lên rõ rệt) làm tăng nguy cơ khiến nhiều quyết định quốc tế bảo vệ môi trường được ra đời. Nhưng hiệu quả của chúng rất ít, do các quyền lợi quốc gia quá mạnh.
Lấy thí dụ như Công ước về ô nhiễm khí quyển liên biên giới đến 1982 chỉ có các nước Bắc Âu áp dụng vì mưa axít làm chết cá của họ. Mỹ, Pháp và Đức thì lờ đi vì quyền lợi công nghiệp hóa học, lấy cớ là ô nhiễm vượt biên giới không có căn cứ khoa học. Nhưng rồi các nhà khoa học Đức chứng minh: Những cây thông ở khu Rừng Đen chết là do ô nhiễm khí quyển nên Tây Âu phải ký một số nghị định thư giảm bớt sự phát tán khí độc. Cụ thể, từ 1990-2004 giảm được xuống đến 30%. Nhưng vấn đề lại bùng lên vì khí độc từ châu Á đến. Mặt khác, nhóm chuyên gia quốc tế GIEC kết luận là khí hậu nóng lên do con người tàn phá môi trường chứ không phải do sự tuần hoàn của thiên nhiên. Hiện nay, nhiệt độ trung bình tăng cao tới hai độ có thể làm chết 20-30% loài vật và cây cỏ, gây lụt ở các châu thổ đông dân châu Á, Tây Phi, Bắc Mỹ, làm chết hàng triệu người. Đến cuối thế kỷ này, một số vùng khác sẽ bị nạn đất khô cằn, muối hoa, ba tỷ người thiếu nước, thêm 600 triệu người nữa bị đói. Sẽ có những đợt di cư khổng lồ và tai ương, nạn nhân là các nước nghèo.
Sự tai hại của hiệu ứng nhà kính do nông nghiệp hóa học, công nghiệp quá tải (khí, điện, ô nhiễm do phương tiện giao thông…) ai cũng rõ, nhưng không ai chịu thay đổi cách sống, quốc gia nào cũng giữ quyền lợi riêng, ai cũng sợ riêng mình cải cách sẽ vô ích.
Cần phải toàn cầu chấp nhận mô hình phát triển mới, dựa vào ba yếu tố: Thứ nhất, đề ra những kỹ thuật mới sản xuất điện và tiết kiệm năng lượng. Biện pháp nhà máy điện nguyên tử thì chưa thật bảo đảm an toàn. Xây nhà bằng các vật liệu cách ly và hấp thụ năng lượng mặt trời cũng tuyệt vời nhưng tốn kém vô cùng. Làm các loại xe chạy bằng điện để đỡ khí thải CO2 là điều hay nhưng phải tìm cách hạ giá thành cho khâu sản xuất điện.
Yếu tố thứ hai tạo nên mô hình mới là thị trường. Ngày nay, người tiêu thụ và người sản xuất đã ý thức được nguy cơ ô nhiễm nên chống ô nhiễm đã trở thành yếu tố thị trường. Yếu tố thứ ba là quyết tâm của toàn cầu.
Hiện nay, Bắc Mỹ thải 6 tấn CO2 mỗi năm/đầu người, châu Âu 3,4 tấn, Trung Quốc 0,5 tấn. Con số này tăng rất nhanh ở các nước đang vươn lên. Mỗi quốc gia, mỗi công dân thế giới phải có đầy đủ ý thức thì mới cứu được hành tinh chúng ta.
Nước ta còn nghèo, cần sống ngày hôm nay trước đã nên dễ bỏ qua những vấn đề trên. Xóa đói giảm nghèo, làm giàu là đúng, nhưng cũng phải nghĩ đến tương lai của con cháu mà suy nghĩ về mô hình phát triển. Các trí thức Đông Tây đều kêu gọi chống lại mô hình phát triển dựa trên chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ.
Ta chạy theo GDP cao mà đa số dân chưa được cơm no áo ấm theo lời Cụ Hồ thì chưa phải là phát triển bền vững. Theo định nghĩa bền vững của báo cáo Brundtland, cần ưu tiên cho nhu cầu chủ yếu của những người nghèo nhất. “Cần phục hồi những giá trị nhân bản, sống tốt với nhau và quan tâm đến thế hệ mai sau”.
Nguồn: Thế Giới&Việt Nam
Nguồn: songxanh.com