For a better experience please change your browser to CHROME, FIREFOX, OPERA or Internet Explorer.
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng cây hồ tiêu

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng cây hồ tiêu

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng cây hồ tiêu

Hồ tiêu là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua. Mang lại giá trị kinh tế và nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân. Đây là cây truyền thống và cũng là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, năng suất hồ tiêu bình quân của tỉnh Quảng Trị còn thấp khoảng 11,5 tạ/ha. Có nơi rất thấp chỉ từ 3 – 4 tạ/ha, nơi cao nhất đạt được khoảng 30 tạ/ha. Bài viết sau đây sẽ phân tích cho bà con cái lợi khi ứng dụng chế phẩm sinh học trong việc trồng và chăm sóc cây hồ tiêu để mang lại năng suất cao hơn.

hinh-anh-cay-ho-tieu-viet-nam (2)hinh-anh-cay-ho-tieu-viet-nam (2)
Hình ảnh cây hồ tiêu việt nam

Góp phần tăng năng suất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đề tài “Nghiên cứu sản xuất và sử dụng một số chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất cây hồ tiêu ở Quảng Trị” do thạc sĩ Phạm Thị Thuý Hoài – Viện Hóa sinh biển – Viện Hàn lâm KHCNVN làm chủ nhiệm đã được triển khai và thu được những kết quả khả quan tại các huyện trồng hồ tiêu chính ở Quảng Trị. Đề tài tập trung nghiên cứu tập quán canh tác của địa phương nhằm tìm ra các nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp của cây tiêu ở Quảng Trị. Từ đó xây dựng quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh và chế phẩm chitosan thích hợp làm giảm tỷ lệ bệnh trên cây hồ tiêu, tăng năng suất hồ tiêu cũng như làm cơ sở để xây dựng và chuyển giao quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học trên cây hồ tiêu cho địa phương.

hinh-anh-cay-ho-tieu-viet-nam (3)hinh-anh-cay-ho-tieu-viet-nam (3)
Nguyên nhân chủ yếu làm năng suất thấp

Nguyên nhân chủ yếu làm năng suất bình quân hồ tiêu thấp và không ổn định của tỉnh Quảng Trị do nhiều yếu tố tác động khác nhau. Trước hết việc canh tác ở đây thường theo hình thức quãng canh, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân mà chưa có quy trình kỹ thuật trồng tiêu phù hợp. Đặc biệt có nhiều loại dịch bệnh gây hại nghiêm trọng làm tiêu chết hàng loạt như vàng lá thối cổ rễ do sự tấn công kết hợp giữa tuyến trùng, nấm F. oxysporum và một số loại nấm gây hại trong đất khác. Phổ biến nhất hiện nay là bệnh chết nhanh (CN) do Phytophthora capsici gây nên. Hơn thế nữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm năng xuất cây trồng.

cay-ho-tieu (2)cay-ho-tieu (2)
Hình 1. Triệu chứng hồ tiêu bị nhiễm Phytophthora spp
cay-ho-tieu (3)cay-ho-tieu (3)
Hình 2. Triệu chứng hồ tiêu bị nhiễm Fusarium oxysporum, F. solani

Tác nhân gây bệnh hại tiêu tại Quảng Trị

155 chủng nấm đã được phân lập và làm sạch từ các mẫu đất, rễ, thân được lấy ở vùng dịch bệnh gây hại nặng trên cây tiêu ở 3 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh. Trong đó, nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài đã định danh 26 chủng có hình thái khuẩn lạc đặc trưng. Các chủng VL1.3r, VL1.1đ, CL2.2r, VLN6đ, CL33.5r sợi nấm sinh trưởng rất nhanh. Các chủng VL4đ, VL4.2đ, VL1.2r, CL2.3đ, CL1.5r, CL1.1’r, CL19đ, VLN8đ, VLN5r, CLN1đ, CL17đ, CL33.6đ, CL26đ, CL4.1r sợi nấm sinh trưởng ở mức độ bình thường. 50% số vi sinh vật thuộc chi Penicillium, 19% thuộc chi Aspergillus. Từ đó, xác định tác nhân chính gây bệnh cho cây tiêu Quảng Trị là Fusarium oxysporum; Fusarium solani và Phytophthora sp.

cay-ho-tieu (4)

cay-ho-tieu (4)

cay-ho-tieu (5)cay-ho-tieu (5)
Hình 3. Hình thái của sợi nấm và bào tử nấm

Các chủng vi sinh vật sau khi phân lập từ các mẫu đất, rễ của cây tiêu ở 3 huyện của tỉnh Quảng Trị được tiến hành thử hoạt tính đối kháng của chúng với F.oxysporum, F.solani, Phytophthorona sp. Kết quả cho thấy: đã lựa chọn 7 chủng vi khuẩn có hoạt tính kháng nấm gây bệnh tốt nhất, 2 chủng xạ khuẩn XK3 và XK28 có hoạt tính kháng vi nấm gây bệnh tốt nhất, chọn 2 chủng nấm có hoạt tính đối kháng tốt nhất với nấm gây bệnh là chủng CL4.1r và CL19đ.

Kết quả nghiên cứu quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học Chitosan và ứng dụng trên cây hồ tiêu

Đề tài đã xây dựng quy trình lên men sản xuất chế phẩm vi sinh đối kháng phù hợp với cây hồ tiêu. Cơ chất là cám gạo và các chủng vi sinh vật đối kháng bao gồm 2 chủng vi khuẩn B. subtilis và B. Flexus; chủng nấm Penicilium oxalicum; chủng xạ khuẩn S.diastatochromogenes. Theo đó xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm sinh học từ chitosan và đăng ký nhãn hiệu chất Kích thích sinh trưởng cây Hồ Tiêu KTST – HT.01. Sản phẩm có màu nâu vàng sáng, thời gian sử dụng 6 tháng.

Các chế phẩm được khảo nghiệm trên quy mô diện hẹp và diện rộng đối với cây hồ tiêu tại Quảng Trị cho thấy công thức kết hơp xử lý chế phẩm vi sinh vật và chế phẩm sinh học Chitosan đạt hiệu quả cao nhất. Hiệu lực phòng trừ của các chế phẩm đối với tỷ lệ bệnh đạt từ 22,49% đến trên 72,45%. Hiệu lực phòng trừ của các chế phẩm đối với chỉ số bệnh đạt từ 30,98% đến trên 79,25%.

cay-ho-tieu (1)

cay-ho-tieu (1)

Trên cơ sở những nghiên cứu trên cho thấy việc ứng dụng chế phẩm vi sinh và chế phẩm sinh học Chitosan mang lại nhiều lợi ích đối với cây hồ tiêu. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp người dân trồng tiêu vừa có thể tăng năng suất, phòng chống bệnh hại cho cây hồ tiêu vừa giải quyết được áp lực ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng nhiều nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Từ khóa: bệnh cây tiêu, cây hồ tiêu

Nguồn: sinhhocvietnam

Bản Tin Xanh

Tin Hot
Top