>>> Mô hình trồng măng tây xanh trên vùng “sa mạc” Ninh Thuận
Niềm vui của ông Năm Ở sau khi về hưu là mỗi ngày được chăm sóc vườn nho. Ảnh: Nguyễn Thủy.
3 năm nghiên cứu lai tạo.
Là một kỹ sư ngành hóa, không hiểu nhiều về nghề nông, nhưng ông Năm Ở (64 tuổi, ngụ 14/8 hẻm 14, đường 359, Khu phố 5, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) lại bén duyên với những cây nho sai trĩu quả.
Hỏi về cơ duyên nào mà ông lại có ý tưởng trồng vườn nho xanh tốt như thế, ông Năm Ở kể: Trong một chuyến đi chơi ở Phan Rang (Ninh Thuận) vào năm 2010 trước khi chuẩn bị về hưu, ông được người bạn cho hai nhánh nho về nhà trồng thử. Thế nhưng, một nhánh bị chết, còn một nhánh phát triển được nhưng trái nhỏ và chua.
Lúc này, ông băn khoăn: “Tại sao ở Ninh Thuận họ trồng được, nhiều quả to và ngọt mà mình không trồng được ở TP.HCM”. Những ngày tiếp theo, ông cặm cụi tìm kiếm trên mạng, báo chí về các phương pháp chăm sóc, kỹ thuật ghép giống nho sao cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của TP.HCM.
Ba năm ròng rã nghiên cứu ghép các giống nho, ông Năm Ở đã lai tạo thành công giống nho Phan Rang với giống nho rừng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Sẵn sàng hướng dẫn miễn phí về kỹ thuật trồng nho
Để có được những trái nho căng mọng, tròn, ngọt, ông Năm Ở cho biết, vườn nho của ông chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, không bỏ bất cứ một loại phân hóa học nào. “Ban đầu, tôi cũng thử nghiệm bón phân hóa học, tuy nhiên khi đó rễ sẽ bị cong và cây bị chết. Ngoài ra, tôi có dùng thử thuốc kích thích cho nho, nhưng thấy trái to, xốp cơm chứ không cứng, giòn như khi mình sử dụng phân hữu cơ. Ai đã từng ăn nho ở vườn nhà tôi, sẽ thấy được vị ngọt thanh, giòn, khác biệt so với những trái nho khác”, ông Năm Ở chia sẻ.
[Xem thêm]
>>> Dinh dưỡng hữu cơ cho cây nho
>>> Kích thích rễ cho nho bằng nấm đối kháng Trichoderma
“Chăm sóc cây nho rất khó, cây không chịu mưa, nếu tưới quá nhiều nước cũng sẽ chết. Vì vậy, ban đầu chưa có kinh nghiệm, tôi phải theo dõi sự phát triển của nó từng ngày. Giờ quen rồi, ngủ một đêm tới sáng là biết cây nho sẽ thiếu cái gì, cần cái gì, bón phân lúc nào”, ông Năm Ở chia sẻ. Trồng nho thích ra trái lúc nào là tùy thuộc vào người trồng, nên việc bấm mắt cho nho cũng rất quan trọng. “Muốn cho nho ra trái đợt nào thì người trồng chỉ việc bấm mắt cho nó, 2 tuần sau sẽ ra những trái non”, ông vui vẻ nói.
Ngoài bán nho, ông Năm Ở còn bán cây nho giống do chính tay mình ghép, mỗi năm cung ứng ra thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận hàng ngàn cây nho giống, với giá từ 400.000 – 1,5 triệu đồng/cây tùy kích thước lớn nhỏ. Ông Năm Ở cho hay, để có được những cây nho giống khỏe bán ra thị trường, ông phải mất 4 – 5 tháng chăm sóc tỉ mỉ từng ngày. “Mỗi đợt ghép thường khoảng hơn 100 cây giống nhỏ, thì 70 cây là sống được khỏe mạnh”, ông Năm Ở nói.
Mỗi năm 3 vụ nho, ông Năm Ở thu về hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Không chỉ bán giống, mà ông còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây nho cho từng khách hàng, thậm chí đến tận nhà để hướng dẫn khi khách có nhu cầu.
“Những năm gần đây, người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng quan tâm đến trồng nho tại các sân nhà, sân thượng, ban công, nên họ tìm đến tôi để mua giống và học hỏi kinh nghiệm trồng rất nhiều. Có sao thì mình chỉ vậy, mong rằng sẽ có nhiều người biết cách trồng cây nho hơn, tạo ra được những trái nho sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của mỗi gia đình, đồng thời có thể cung ứng ra thị trường, đem lại thu nhập cao”, ông Năm Ở khẳng định.
Nguyễn Thủy | NNVN