Cây trúc Nhật có vẻ ngoài xum xuê và mang nhiều ý nghĩa, được nhiều người ưa chuộng, trồng làm cây cảnh trong khuôn viên nhà, mang đến không gian xanh mát.
Vậy đặc điểm và ý nghĩa phong thủy của cây trúc nhật là gì?
Bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây để có cho mình một ít kinh nghiệm khi trồng cây trúc nhật trong nhà.
Đặc điểm cây Trúc Nhật
Mặc dù tên là trúc nhưng hình dáng bên ngoài của cây trúc nhật lại không quá giống những cây thuộc họ này.
- Tên: Trúc Nhật
- Họ: Tre
- Tên khoa học: Dracaena Surculosa Punctulata
Là loài cây mọc theo bụi, trúc nhật có chiều cao khá khiêm tốn, chỉ từ 30cm – 1m tùy vào điều kiện sinh sống, cây trồng trong chậu thường có kích thước nhỏ hơn mọc ngoài tự nhiên.
Thân cây khá nhỏ nhưng cứng cáp, mọc chĩa lên trên, cành nhánh vừa phải nhưng nhiều lá, cho cảm giác bụi cây khá rậm rạp.
Lá cây có dạng thuôn dài và mỏng, nhọn dần về phía đầu lá, dài từ 5 – 7cm, rộng 2 – 3cm. Lá mọc đối, bề mặt khá bóng, mép nguyên và cho cảm giác mềm mại. Phần gốc lá tiếp xúc với cuống ngắn, lá có gân màu xanh nhạt.
Đặc biệt, ngoài gân thì trên bề mặt lá còn xuất hiện nhiều đốm tròn loang lổ, thường có màu vàng nhạt hoặc trắng.
Hoa của cây trúc nhật khá đẹp, thường mọc thành cụm dạng chùm dài với màu trắng chủ đạo. Các bông hoa có 1 cuống chung và tỏa ra xung quanh, khi nở bung, các cánh hoa mỏng tỏa sắc tô điểm cho không gian xung quanh.
Sau khi ra hoa, cây sẽ kết trái, quả của cây trúc nhật có dạng tròn, màu xanh khi còn non, lúc chín thì chuyển dần sang màu cam hoặc đỏ.
Về đặc tính, cây trúc nhật có tốc độ sinh trưởng trung bình, ưa ẩm, ưa sáng nhưng cũng có khả năng chịu bóng tốt, có thể trồng trong nhà, nhu cầu dinh dưỡng cũng không hề cao, rất dễ chăm sóc.
Công dụng của cây Trúc Nhật
Với vẻ ngoài mảnh mai và có vét quý phái, cây trúc nhật phù hợp với nhiều không gian khác nhau, sẽ là sự tô điểm hoàn hảo cho ngôi nhà của bạn.
Bạn có thể trưng bày cây trúc nhật tại nhiều vị trí khác nhau như ban công, phòng khách, giếng trời, tiền sảnh, sân vườn…
Ngoài ra, nhiều khu vực công cộng như nhà hàng, khách sạn, khu du lịch cũng thường xuyên trồng cây trúc nhật ở các khu vực bàn lễ tân, tiểu cảnh hay trồng dọc lối đi, hàng rào.
Màu xanh tươi mát của cây sẽ giúp căn phòng bừng sáng, hòa mình vào thiên nhiên.
Không chỉ giúp làm cảnh, cây trúc nhật còn có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn, giúp không gian sống trong lành, mát mẻ.
Ngắm nhìn cây trúc nhật trong khi thư giãn cũng là một biện pháp cải thiện tinh thần vô cùng hiệu quả.
Cây Trúc Nhật và ý nghĩa phong thủy
Là loài cây có vẻ ngoài mảnh mai nhưng lại cứng cáp, sức sống mãnh liệt, cây trúc nhật đại diện cho sự kiên cường vượt qua khó khăn, đương đầu thử thách, không ngại thất bại.
Các nhánh cây vươn lên thẳng đứng, thể hiện tính tình cương trực ngay thẳng, là biểu tượng cho người quân tử, có tâm hồn ngay thẳng.
Ngoài ra, cây trúc nhật còn mang ý nghĩa đem lại may mắn cho gia chủ, xua đuổi tà mà, giúp gia chủ thu hút tài lộc, tránh xa rủi ro trong cuộc sống, công việc.
Nhiều người cũng sử dụng cây trúc nhật như một món quà tặng, với ý nghĩa là lời chúc phúc, mong muốn nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với người được tặng.
Cây trúc Nhật hợp mệnh nào?
Theo phong thủy, cây trúc nhật có thể phù hợp với tất cả các mệnh, do đó bạn có thể thoải mái trồng cây trúc nhật trong nhà mà không lo khắc tuổi.
Là loài cây có sắc xanh chủ đạo, tán lá um tùm, cây trúc nhật đặc biệt phù hợp với người mang mệnh Mộc. Người mang mệnh này khi trồng cây sẽ giúp cho đời sống thuận lợi, công việc thăng tiến, suy nghĩ thông suốt, trôi chảy.
Có nên trồng cây trúc nhật trong nhà?
Với những thông tin phía trên, chắc hẳn bạn cũng có câu trả lời rồi phải không nào.
Để phát huy tốt nhất yếu tố phong thủy của cây trúc nhật, bạn nên đặt cây ở hướng Nam, Đông, hoặc Đông Nam để thu hút được nhiều tài lộc, may mắn cho gia đình.
Cách trồng và chăm sóc cây Trúc Nhật
Trồng cây Trúc Nhật
Chuẩn bị đất trồng
Là loài cây dễ sống, đất để trồng cây trúc nhật không cần quá giàu dinh dưỡng, nhưng tốt nhất bạn nên trộn thêm ít phân chuồng để cây con nhanh phát triển. Ngoài ra, bạn cần trộn thêm ít sỏi hoặc sơ dừa, mùn than để tăng độ tơi xốp cũng như khả năng thoát nước của đất. Chậu trồng cũng cần có lỗ thoát nước đầy đủ tránh ngập úng.
Trồng cây
Để nhân giống cây trúc nhật bạn có thể áp dụng phương pháp tách bụi hoặc giâm cành, trong đó mỗi loại có ưu nhược điểm riêng như tách bụi thì cây mới sẽ lớn nhưng khi tách cần cẩn thận, còn giâm cành thì dễ hơn nhưng phải chờ cây bén rễ.
- Tách bụi: từ một bụi cây lớn, bạn xác định bụi cây con cần tách. Sau đó đào gốc cây lên và tiến hành tách rời bụi cây con, cẩn thận để không làm ảnh hưởng tới bộ rễ. Sau khi tách, bạn rửa sạch rễ và trồng vào chậu đất đã chuẩn bị từ trước.
- Giâm cành: từ cây mẹ, chọn một cành to khỏe, không sâu bệnh, có từ 1 – 2 cặp lá. Dùng kéo sắc cắt gần sát gốc cành và ngâm vào nước có pha dung dịch kích rễ hoặc 1 tiếng. Sau đó lấy ra và trồng vào phần đất đã chuẩn bị.
Sau khi trồng, bạn tiến hành tưới nước đều đặn cho cây để duy trì độ ẩm, mỗi lần chỉ tưới một ít để tránh làm ngập úng. Sau một thời gian cây sẽ bén rễ và phát triển bình thường.
Cách chăm sóc cây Trúc Nhật
Là loài cây dễ sinh trưởng, phù hợp với nhiều điều kiện thời tiết nên cây trúc nhật khá dễ chăm sóc, dưới đây là một vài lưu ý chính:
- Tưới nước: bạn không cần phải tưới nước quá thường xuyên, mỗi tuần chỉ nên tưới khoảng 2 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối. Nếu thời tiết nắng gắt thì có thể tăng lên 3 lần, chỉ tưới đủ ẩm đất, không nên tưới quá đẫm.
- Dinh dưỡng: vào thời gian đầu, bạn có thể bón phân hữu cơ cho cây mỗi tháng 1 lần để cây con phát triển. Khi cây đã lớn thì việc bón phần không cần thường xuyên nữa, khoảng 3 tháng 1 lần.
- Ánh sáng: là loài cây ưa sáng nhưng vẫn có thể chịu bóng, đặc biệt không chịu được ánh nắng gắt từ mặt trời. Do đó bạn nên đặt cây ở những vị trí thoáng mát và có ánh sáng gián tiếp. Mỗi tuần chỉ cần mang cây ra ngoài vào sáng sớm khoảng 1 tiếng để giúp cây quang hợp là được.
- Nhiệt độ: phù hợp với điều kiện nhiệt đới, cây sinh tưởng tốt trong mức nhiệt độ từ 20 – 28 độ C. Khi nắng quá gắt hay nhiệt độ quá thấp, bạn nên có biện pháp che chắn để tránh cây bị rụng hay héo lá.
- Phòng trị sâu bệnh: cây trúc nhật ít khi gặp sâu hại, thi thoảng có bị rụng lá hay héo thì bạn chỉ cần tưới thêm nước và bón thêm ít phân để cải thiện môi trường sống cho cây là được.
Qua những thông tin trên ta có thể thấy cây Trúc Nhật không chỉ đẹp, nhiều công dụng mà còn rất ý nghĩa nữa đúng không nào.
Nếu đang tìm một cây cảnh để tăng nét xanh cho căn phòng của mình thì cây trúc nhật sẽ là một lựa chọn không tồi.
Đừng bỏ qua nhé.