Cây bonsai ngày nay được sử dụng cho mục đích trang trí và giải trí ngoài công dụng truyền thống của chúng. Vậy với các hướng dẫn dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tự trồng cây bonsai đẹp từ rễ, gốc, thân, cành cho đến ngọn để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Phần 1: Chọn Cây Bonsai Phù hợp với Bạn
1. Chọn loài cây phù hợp với khí hậu của bạn
Không phải tất cả cây bonsai đều giống nhau. Nhiều cây thân gỗ lâu năm và thậm chí một số cây nhiệt đới có thể được tạo thành cây cảnh, nhưng không phải loài nào cũng sẽ phù hợp với địa điểm của bạn. Khi lựa chọn một loài, điều quan trọng là phải xem xét khí hậu mà loài cây đó sẽ được trồng. Ví dụ, một số cây không sống được trong thời tiết băng giá, trong khi những loài khác thực sự cần nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng để chúng có thể chuyển sang trạng thái ngủ và chuẩn bị cho mùa xuân. Trước khi bắt đầu trồng cây bonsai, hãy chắc chắn loài cây bạn đã chọn có thể sống trong khu vực của bạn – đặc biệt nếu bạn định trồng cây ngoài trời. Nhân viên vườn ươm có thể giúp bạn nếu bạn không chắc chắn.
Một loạt cây bonsai đặc biệt phù hợp đối với người mới bắt đầu là cây bách xù. Loại cây xanh trang trí này rất khỏe, sống được trên khắp Bắc bán cầu và thậm chí ở những vùng ôn đới hơn của Nam bán cầu. Ngoài ra, cây bách xù rất dễ trồng – chúng đáp ứng tốt với cắt tỉa và những kiểu “uốn lượn”, và bởi vì chúng xanh quanh năm, nên không bao giờ rụng lá.
Những cây lá kim khác thường được trồng làm cây bonsai bao gồm cây thông, cây vân sam, và cây tuyết tùng. Cây rụng lá là một khả năng khác – cây Phong Nhật đẹp một cách rất đặc biệt giống như mộc lan, cây du, và cây sồi. Cuối cùng, một số cây phi thân gỗ nhiệt đới như cây cẩm thạch và cây bỏng nẻ, là những lựa chọn tốt cho môi trường trong nhà ở vùng khí hậu ôn đới hoặc mát mẻ.
2. Quyết định xem bạn sẽ trồng cây trong nhà hay ngoài trời
Nhu cầu của cây bonsai trong nhà và ngoài trời có thể rất khác nhau. Nói chung, môi trường trong nhà khô hơn và ít ánh sáng hơn môi trường ngoài trời, do đó bạn sẽ chọn những cây có yêu cầu về ánh sáng và độ ẩm ít hơn. Dưới đây là danh sách một số loài cây bonsai phổ biến nhất, được phân loại theo tính phù hợp của chúng đối với môi trường trong nhà hoặc ngoài trời:[2]
- Trong nhà: Đa, Xa kê, Bạch tuyết mai, Dành dành, Hoa trà.
- Ngoài trời: Bách xù, Bách, Tuyết tùng, Phong, Bulô, Sồi, Bạch quả, Thông, Du.
- Lưu ý rằng một số giống cây chịu rét tốt như cây bách xù phù hợp cho cả trồng trong nhà và ngoài trời, miễn là chúng được chăm sóc đúng cách.
3. Chọn kích cỡ cây bonsai của bạn
Cây bonsai có rất nhiều kích cỡ khác nhau. Cây trưởng thành có thể chỉ cao 15,2 cm hoặc cao tới 0,9 m, tùy thuộc vào giống của chúng. Nếu bạn chọn trồng bonsai từ cây giống hoặc nhánh cắt từ cây khác, chúng có thể thậm chí còn nhỏ hơn. Những cây lớn hơn đòi hỏi nhiều nước, đất và ánh sáng mặt trời, do đó hãy chắc chắn rằng bạn có tất cả các điều kiện cần thiết trước khi mua cây.
Đây là một vài điều bạn sẽ muốn cân nhắc khi quyết định kích cỡ cây bonsai của mình:
- Kích cỡ chậu đựng bạn sẽ sử dụng
- Khoảng không gian bạn có tại nhà hoặc văn phòng
- Lượng ánh sáng mặt trời mà cây sẽ nhận được tại nhà hoặc văn phòng của bạn
- Độ chăm sóc mà bạn có thể đầu tư vào cây (những cây lớn hơn mất nhiều thời gian cắt tỉa hơn)
4. Hình dung sản phẩm hoàn thiện trong lúc chọn cây
Ngay khi bạn quyết định xong loại cây và kích thước của cây bonsai bạn muốn trồng, bạn có thể đến vườn ươm hoặc của hàng cây cảnh và chọn loại cây bạn sẽ trồng. Khi chọn, hãy tìm cây có lá xanh khỏe mạnh, tràn đầy sức sống hoặc màu kim để đảm bảo rằng cây khỏe mạnh (tuy nhiên, hãy nhớ rằng cây rụng lá có thể thay đổi màu sắc lá vào mùa thu). Cuối cùng, khi bạn đã thu hẹp tìm kiếm của mình tới những cây khỏe mạnh nhất, đẹp đẽ nhất, hãy tưởng tượng xem mỗi cây sẽ trông như thế nào sau khi được cắt tỉa. Một phần của thú vui trồng cây bonsai là cắt tỉa và tạo hình dần dần cho cây cho đến khi nó trông giống y như hình dạng bạn muốn – điều này có thể mất nhiều năm. Hãy chọn một cây có hình dáng tự nhiên gần giống với tạo hình mà bạn có trong đầu.
Lưu ý rằng nếu bạn chọn trồng cây bonsai từ hạt, bạn có thể kiểm soát được sự tăng trưởng của cây gần như trong mọi giai đoạn phát triển của nó. Tuy nhiên, có thể phải mất đến 5 năm (tùy thuộc vào loài cây) để hạt mọc thành cây trưởng thành.[3] Do đó, nếu bạn thích cắt tỉa hoặc tạo hình cây ngay, tốt hơn là bạn nên mua một cây đã lớn.
Một lựa chọn khác bạn có thể cân nhắc là trồng cây bonsai từ cành giâm. Cành giâm là cành cắt từ cây đang lớn và trồng sang đất mới để tạo nên một cây riêng biệt (nhưng giống hệt nhau về mặt di truyền)[4]. Cành giâm là một lựa chọn tốt – chúng không mất nhiều thời gian để phát triển như hạt, nhưng vẫn cho bạn sự kiểm soát về sự tăng trưởng của cây.
5. Chọn chậu
Đặc trưng của cây bonsai là được trồng trong chậu để hạn chế sự phát triển của chúng. Yếu tố quan trọng nhất trong việc chọn chậu là đảm bảo chậu đủ lớn để đất có thể phủ hết các rễ của cây. Khi bạn tưới nước cho cây, nó sẽ hút độ ẩm từ đất thông qua rễ. Lượng đất ít sẽ khiến rễ cây không thể giữ được độ ẩm. Để ngăn thối rễ, chậu phải có lỗ thoát nước ở đáy. Nếu không, bạn cũng có thể tự khoan các lỗ đó.
Một mặt chậu phải đủ lớn để nâng đỡ cây, mặt khác cũng phải đảm bảo sự gọn gàng, ngăn nắp về mặt thẩm mỹ cho cây bonsai của bạn. Chậu quá lớn có thể khiến cây bị lùn, tạo ra dáng vẻ kỳ cục hoặc không đẹp mắt. Hãy mua chậu đủ lớn cho rễ của cây, nhưng không được lớn quá – lý tưởng là chậu bổ sung tính thẩm mỹ cho cây nhưng không được quá lộ liễu.
Một số người thích trồng cây bonsai trong những chậu đơn giản, mang tính thiết thực, sau đó chuyển chúng vào những chậu đẹp hơn khi chúng đã phát triển hoàn thiện. Đây là quy trình đặc biệt hữu ích nếu loài cây bonsai bạn trồng thuộc loại cây yếu, vì nó cho phép bạn không cần mua chậu “đẹp” cho đến khi cây của bạn khỏe mạnh và xinh đẹp.