For a better experience please change your browser to CHROME, FIREFOX, OPERA or Internet Explorer.
Cây Ngọc ngân: Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc

Cây Ngọc ngân: Ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc

Cây Ngọc ngân được nhiều người lựa chọn trưng bày trong nhà hay văn phòng. Bởi loài cây này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và ý nghĩa phong thủy.

Nếu đang có ý định trồng một cây Ngọc ngân để làm cảnh, chắc hẳn bạn cũng có một vài thắc mắc cần giải đáp.

Cây Ngọc ngân có đặc điểm gì?

Tác dụng và ý nghĩa ra sao?

Chăm sóc có dễ không?

Để trả lời những câu hỏi trên, hãy cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé.

Đặc điểm cây Ngọc ngân

Để hiểu rõ hơn về cây Ngọc ngân, bạn cần tìm hiểu qua một vài đặc điểm cơ bản của cây. Cụ thể như sau:

  • Tên: Ngọc ngân
  • Tên gọi khác: cây Valentine
  • Họ: Araceae (Ráy)
  • Tên khoa học: Dieffenbachia Picta
Cây Ngọc ngânCây Ngọc ngânCây Ngọc ngân
Cây Ngọc ngân

Cây Ngọc ngân là loài cây lá mềm, lá có hình bầu dục với cuống là đầy bao bọc quanh thân cây. Mỗi gốc cây thường có từ 5 – 6 nhánh.

Lá có màu trắng xanh với tỉ lệ phần lớn là màu trắng ở giữa, viền xung quanh màu xanh khiến cho cây khá nổi bật và thu hút ánh nhìn.

Cây có rễ chùm, nếu được chăm sóc tốt, cây sinh trưởng rất nhanh thành bụi lớn. Tùy điều kiện chăm sóc mà cây có chiều cao trung bình từ 20cm – 40cm. Nếu sinh trưởng tốt trong tự nhiên, cây có thể cao hơn 60cm.

Hoa của cây có màu xanh nhạt hoặc trắng, có dạng hình trụ, cánh hoa cũng có màu tương tự như màu lá với tỉ lệ trắng nhiều hơn xanh.

Cây ngọc ngân có độc không?

Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là cây Ngọc ngân có độc không?

Câu trả lời là CÓ.

Độc của cây Ngọc ngân chủ yếu để đối phó với sâu bệnh, bởi vậy không nguy hiểm tới tính mạng.

Tuy nhiên nếu ăn phải thì có thể gây khó chịu, đau rát họng, buồn nôn. Do đó, nếu trong nhà bạn có trẻ nhỏ hay nuôi thú cưng thì nên đặt cây ở vị trí an toàn.

Nếu không may ăn phải, cần phải đến trung tâm y tế để kiểm tra dị ứng, đề phòng gây nguy hiểm.

Tác dụng và ý nghĩa phong thủy cây Ngọc ngân

Tác dụng

Là một cây cảnh, tác dụng đầu tiên phải kể đến chắc chắn là trang trí. Với vẻ ngoài khá bắt mắt, cây Ngọc ngân có thể đặt ở nhiều vị trí khác nhau.

Cây lớn thì có thể để ở tiền sảnh, giếng trời, sân vườn, sân thượng, hành lang, giúp tăng thêm sự sang trọng.

Cây nhỏ thì trồng trong chậu nhỏ, đặt ở bàn làm việc, bàn tiếp khách, giúp tạo không gian sinh sống, làm việc, giải tỏa căng thẳng.

Cây Ngọc ngân vừa làm cảnh, vừa giúp thanh lọc không khíCây Ngọc ngân vừa làm cảnh, vừa giúp thanh lọc không khíCây Ngọc ngân vừa làm cảnh, vừa giúp thanh lọc không khí
Cây Ngọc ngân vừa làm cảnh, vừa giúp thanh lọc không khí

Không chỉ vậy, theo nhiều nghiên cứu thì cây Ngọc ngân còn nằm trong nhóm những cây có khả năng thanh lọc không khí tốt nhất. Nhờ đó mà không gian sống và làm việc của bạn luôn đảm bảo trong lành, mát mẻ.

Những ai có vấn đề về hô hấp thì không nên bỏ qua việc trồng một cây Ngọc ngân trong nhà.

Ý nghĩa phong thủy

Không chỉ làm cây cảnh giúp không gian sống tốt hơn, cây Ngọc ngân còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy.

Cụ thể, cây có vẻ ngoài sang trọng, tượng trưng cho bổng lộc, giàu có. Hình dáng cây thể hiện cho sự quyết tâm, vươn lên trong cuộc sống. Có cây Ngọc ngân trồng trong nhà hay văn phòng có thể mang lại tiền tài, danh vọng, sự thăng tiến trong công việc, cuộc sống của gia chủ.

Ngoài ra, cây Ngọc ngân còn được gọi là cây Valentine, tượng trưng cho tình cảm bền chặt. Những cặp đôi mới cưới nên có một cây Ngọc ngân trong nhà để tình cảm thêm gắn bó.

Nhờ ý nghĩa như vậy mà loài cây này thường được dùng làm quà tặng trong các dịp lễ tân hôn, khai trương, tân gia…

Cây Ngọc ngân có ý nghĩa mang lại tiền tài cho gia chủCây Ngọc ngân có ý nghĩa mang lại tiền tài cho gia chủCây Ngọc ngân có ý nghĩa mang lại tiền tài cho gia chủ
Cây Ngọc ngân có ý nghĩa mang lại tiền tài cho gia chủ

Cây Ngọc ngân còn không kén phong thủy, bạn có thể đặt cây ở rất nhiều vị trí, từ bàn làm việc, bàn tiếp khách, hành lang, giếng trời cho đến các vị trí rộng hơn như sân vườn, công viên…

Cây Ngọc ngân hợp mệnh gì?

Như đã nói ở trên, cây không kén phong thủy nên phù hợp với hầu hết các mệnh, nhưng hợp nhất là những người có mệnh Kim, Thổ, Thủy.

Những người mang mệnh này khi trồng cây sẽ đặc biệt mang lại nhiều tài vận, khí vượng.

Cách trồng và chăm sóc cây Ngọc ngân

Ưu điểm của cây Ngọc ngân đó chính là sức sống rất mãnh liệt, do đó bạn không cần phải chăm sóc quá nhiều mà cây vẫn phát triển rất tốt.

Dưới đây là một vài kinh nghiệm khi trông và chăm sóc cây Ngọc ngân, bạn có thể tham khảo qua.

Trồng cây

Đầu tiên bạn cần chuẩn bị đất tơi xốp, trộn cùng với phân vi sinh, mùn gỗ hay trấu để tăng thêm dinh dưỡng, kích thích cây mọc rễ. Nếu được, hãy chọn đất giàu dinh dưỡng hoặc mua đất vi sinh tổng hợp dùng cho cây cảnh.

Cây giống thì bạn rửa sạch, loại bỏ rễ thối.

Sau đó, nén nhẹ phần đất rồi khoét một lỗ, cho cây vào rồi vun lại cho kín gốc. Tưới nước cho đất đủ độ ẩm, sau đó đặt cây ở nới thoáng mát, nhiều ánh sáng nhưng tránh ánh nắng gay gắt từ mặt trời.

Bạn lưu ý là khi cây còn nhỏ, chưa bám rễ thì nên tưới nước theo dạng phun sương để đảm bảo sự ổn định cho cây nhé.

Nếu trông cây thủy sinh thì đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ việc chuẩn bị chậu thủy tinh, hòa nước với dung dịch dinh dưỡng và kích thích mọc rễ sau đó cho cây vào chậu, neo giữ cho cây ổn định là được.

Trồng thủy sinh giúp cây khoe được bộ rễ đẹp mắtTrồng thủy sinh giúp cây khoe được bộ rễ đẹp mắtTrồng thủy sinh giúp cây khoe được bộ rễ đẹp mắt
Trồng thủy sinh giúp cây khoe được bộ rễ đẹp mắt

Tưới nước

Cây Ngọc ngân là loài ưa ẩm nhưng lại sợ úng. Do đó, bạn không nên tưới nước theo dòng mà dùng bình phun sương.

Bạn cũng không cần tưới quá nhiều lần, mỗi tuần nên tưới khoảng 3 lần vào sáng sớm. Bạn nên phun nước trực tiếp vào đất chứ không nên phun vào lá. Thay vào đó thường xuyên dùng khăn mềm lau lá cho sạch để hỗ trợ quá trình quang hợp.

Ánh sáng

Là loài ưa mát, nên bạn không nên đặt cây Ngọc ngân ở những vị trí quá nhiều ánh nắng. Nên đặt cây ở những nơi thoáng đãng, có ánh sáng dịu.

Mỗi tuần nên mang cây ra phơi nắng vào buổi sáng khoảng 1 tiếng.

Nếu bạn đặt cây trong văn phòng, dưới ánh sáng điện nhiều quá thì mỗi tuần nên mang cây ra phơi nắng 2 lần.

Đặt cây ở vị trí râm mát, tránh nắng gắtĐặt cây ở vị trí râm mát, tránh nắng gắtĐặt cây ở vị trí râm mát, tránh nắng gắt
Đặt cây ở vị trí râm mát, tránh nắng gắt

Nhiệt độ

Cây Ngọc ngân là loài không ưa lạnh, do đó nếu đặt cây trong phòng máy lạnh thì bạn chú ý không để nhiệt độ xuống quá thấp. Cây thường sống và phát triển tốt nhất ở khoảng 18 – 28 độ C.

Cây sẽ phát triển chậm nếu nhiệt độ xuống dưới 18 độ C, các bạn nhớ chú ý nhé.

Dinh dưỡng

Bạn có thể tăng cường dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân, khi cây còn nhỏ thì bón phân vô cơ. Cây lớn hơn chút thì đa dạng hơn, có thể bón phân hữu cơ cho cây.

Khi bón nhớ rải đều và mỏng, bón xa gốc cây để tránh cây bị cháy.

Khoảng 2 – 3 tháng bạn bón phân một lần là được, nếu trồng cây trong chậu thì nên thay đất trồng mỗi năm một lần để làm mới môi trường sống.

Trị sâu bệnh

Các bệnh thường gặp liên quan tới cây Ngọc ngân là các loài ve nhện, rệp và nấm. Bạn cần thường xuyên quan sát để kiểm tra cây, nếu thấy dấu hiệu nhẹ thì chỉ cần loại bỏ sâu bệnh, nặng thì mua thuốc chuyên dụng về phun để trị sâu rầy.

Ngoài ra nếu thấy lá cây bị vàng héo thì nhiều khả năng cây đang thiếu chất, hãy bón phân và tưới nước cho cây để bổ sung dinh dưỡng nhé.

Trên đây là những thông tin về cây Ngọc ngân mà bạn cần nắm rõ để có thể trồng và chăm sóc cây hiệu quả hơn.

Còn chờ gì nữa mà không trưng bày ngay một cây Ngọc ngân trong không gian nhà bạn để mang lại sự tươi mới và nhiều may mắn.

Chúc bạn thành công.

Nguồn: LamVuon.net

Bản Tin Xanh

Tin Hot
Top