Cây Vạn lộc là một trong những loài cây cảnh ưa bóng mát, không cần nhiều ánh nắng, thích hợp để trồng trang trí trong nhà, văn phòng.
Tuy vậy, trồng và chăm sóc ra sao để cây luôn khỏe mạnh, tươi tốt, ra hoa đẹp thì không phải ai cũng nắm rõ.
Dưới đây là một vài thông tin về cây Vạn lộc mà bạn có thể tham khảo để chăm sóc cây được hiệu quả.
Đặc điểm của cây Vạn lộc
Mọi người thường nhầm lẫn cây Vạn lộc với cây Phú quý bởi vẻ ngoài khá giống nhau, cây Phú quý có lá xanh viền đỏ, trong khi đó cây Vạn lộc có lá đỏ viền xanh.
Dưới đây là những đặc điểm chính của cây Vạn lộc mà bạn nên nắm rõ:
- Tên: Vạn lộc
- Tên gọi khác: Thiên phú
- Họ: Ráy
- Tên khoa học: Aglaonema rotundum pink
Là giống cây thân thảo, có nguồn gốc từ Thái Lan, Indonesia, Vạn lộc có lá mọc từ gốc, có lá màu hồng nhạt và đậm dần theo thời gian, viền xung quanh màu xanh, lá dày, gân nổi rõ.
Phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, lại dễ chăm sóc nên cây phát triển, lan bụi khá nhanh. Dù vậy cây có kích thước khá nhỏ, chỉ cao khoảng 60cm, nếu mọc ngoài tự nhiên có thể cao hơn.
Hoa Vạn lộc có màu trắng, rễ chùm, các lá mọc đan xen nhiều tầng, pha trộn sắc xanh đỏ mang lại vẻ đẹp cuốn hút.
Cây có thể sống được trong môi trường thủy sinh, nhờ vậy mà cây Vạn lộc rất được yêu thích, thường dùng làm cảnh trong không gian sống.
Công dụng và ý nghĩa của cây Vạn lộc
Công dụng của cây Vạn lộc
Tất nhiên rồi, công dụng đầu tiên khi nhắc đến cây Vạn lộc chính là làm cảnh. Màu sắc rực rỡ, kiểu dáng nhỏ gọn, lại dễ chăm sóc, không khó hiểu khi cây Vạn lộc được trồng và trưng bày trong nhiều không gian.
Cụ thể, loài cây cảnh này thường được trồng trong chậu, làm cảnh trong nhà, văn phòng, quán ăn, cà phê. Các vị trí đặt cây cũng rất đa dạng như bàn học, bàn làm việc, bàn tiếp khách, sân vườn, sân thượng, hành lang, tiền sảnh…
Màu sắc tươi sáng của chậu Vạn lộc có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng, giúp quá trình học tập, làm việc thuận lợi hơn.
Đây cũng là một loài cây có khả năng thanh lọc không khí, ngăn ngừa bụi bẩn, rất có ích cho sức khỏe gia chủ.
Ý nghĩa cây Vạn lộc
Không chỉ là cây cảnh trang trí, Vạn lộc còn mang nhiều ý nghĩa về phong thủy. Với sắc đỏ hồng chủ đạo, cây đi liền với ý nghĩa may mắn, tài lộc.
Gia chủ trồng cây Vạn lộc với mong muốn mang về nhiều thuận lợi trong cuộc sống, công việc. Cây Vạn lộc trồng trong nhà nở hoa báo hiệu cho những tin vui sắp đến.
Nhờ vậy mà nhiều người thường dùng cây Vạn lộc làm quà tặng trong các dịp như khai trương, tân gia, tặng đối tác để thay cho lời chúc vạn sự như ý.
Cây Vạn lộc hợp mệnh gì?
Vạn lộc phù hợp với tất cả các mệnh, nhưng với màu đỏ nổi bật, cây đặc biệt phù hợp với người mệnh Hỏa.
Nếu bạn là người mệnh Hỏa thì không nên bỏ qua việc trồng một cây Vạn lộc trong nhà hay nơi làm việc. Chậu cây nên chọn màu trắng hoặc xanh dương để phát huy hiệu quả phong thủy.
Cách trồng và chăm sóc cây Vạn lộc
Là một cây có sức sống khá tốt, việc chăm sóc cây Vạn lộc không có gì quá phức tạp. Dưới đây là một vài kinh nghiệm trông và chăm sóc cây bạn có thể tham khảo qua.
Trồng cây
Cây Vạn lộc thường được trồng bằng phương pháp tách bụi, bởi đây là cách khá đơn giản, cây lại phát triển tốt, nhanh ra hoa.
Tách bụi
Từ một bụi Vạn lộc lớn, chọn một cây con khỏe mạnh, lá xanh tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh, sau đó nhẹ nhàng tách sao cho không ảnh hưởng nhiều tới bộ rễ là được.
Chuẩn bị đất
Là cây dễ sinh trưởng, Vạn lộc phù hợp với nhiều loại đất khác nhau. Nhưng khi trồng cây mới, bạn nên lựa chọn đất giàu dinh dưỡng một chút, có thể trộn thêm phân hữu cơ, xơ dừa… Đất phải đảm bảo độ tơi xốp, thoát nước tốt.
Chậu trồng cũng khá quan trọng, chậu phải có lỗ thoát nước, kích thước vừa phải, nếu quá lớn thì cây mọc không đẹp, trong khi chậu quá nhỏ thì cây sẽ thiếu không gian phát triển.
Trồng cây Vạn lộc
Sau khi chuẩn bị đất và chậu, bạn đổ đất vào khoảng 1/4 chậu, sau đó đặt cây giống vào chính giữa. Tiếp tục đổ phần đất còn lại để lấp đầy chậu, nén đất cho hơi chặt một chút. Rải lên trên mặt một ít sỏi để làm đẹp chậu cây.
Tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cho cây nhưng nhớ là không quá nhiều bởi cây có thể bị úng rễ.
Nếu trồng thủy sinh, bạn không cần phải chuẩn bị đất mà chỉ cần một chậu thủy tinh có nước, pha thêm chút dung dịch dinh dưỡng cho cây thủy sinh là đủ.
Sau khi tách bụi, bạn rửa sạch bộ rễ, loại bỏ rễ hư thối rồi cho vào chậu. Nếu chậu có miệng rộng thì có thể dùng vài viên đá để cố định cây, giúp cây không nghiêng đổ. Vậy là xong.
Chăm sóc cây Vạn lộc
Sau khi trồng, bạn cũng cần chú ý một chút trong quá trình chăm sóc để cây Vạn lộc phát triển theo đúng ý muốn.
Tưới nước: cây Vạn lộc không cần quá nhiều nước, bạn chỉ cần tưới từ 2 – 3 lần mỗi tuần. Mỗi lần tưới cũng chỉ cần đất đủ ẩm là được. Thay vào đó, hãy thường xuyên lau lá cây, vừa loại bỏ bụi bẩn, hỗ trợ cây quang hợp, vừa giúp cây sáng đẹp hơn.. Đối với cây thủy sinh, 2 tuần bạn nên thay nước và vệ sinh chậu một lần.
Ánh sáng: bạn không cần cung cấp nhiều ánh nắng cho cây, nhưng vẫn phải đảm bảo ánh sáng. Tốt nhất là đặt cây ở những nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng nhưng tránh ánh nắng trực tiếp. Mỗi tuần chỉ cần mang cây ra phơi nắng sớm 1 lần là được.
Dinh dưỡng: 3 – 4 tháng bạn nên bón phân cho cây một lần, có thể bón phân NPK, rải đều xung quanh và tưới nước để cây tự hấp thu.
Nhiệt độ: cây phát triển tốt với khí hậu nhiệt đới nên bạn không cần quá lo lắng về vấn đề nhiệt độ. Cây có thể sống tốt với nhiệt độ từ 15 – 28 độ C, dao động lên xuống một vài độ cũng không vấn đề gì.
Phòng ngừa sâu bệnh: các bệnh thường gặp khi trồng cây Vạn lộc là sâu, phấn trắng, thối lá… bạn nên thường xuyên kiểm tra để sớm phát hiện, từ đó có thể nhanh chóng loại bỏ lá hư thối, phun thuốc trừ sâu bệnh kịp thời.
Trên đây là những thông tin về đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây Vạn lộc. Hy vọng bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự mình chăm sóc một cây trong nhà.
Chúc bạn thành công.