Ký sự Organic – Kỳ 5: Rằng hay thì thật là hay…
Ông Ngô Hoàng Minh, người sống bằng nghề nuôi heo ở gần vườn nhà tôi, thỉnh thoảng sang làm giúp tôi một số việc, như cho heo ăn dặm hoặc coi ngó heo đẻ.
|
Trước đây ông vẫn có đồng ra đồng vào từ nuôi heo, còn bây giờ nuôi heo thịt không ăn thua nên ông chuyển sang nuôi heo nái, chủ yếu lấy công làm lãi, phải đi làm thuê mới có thêm tiền cho gia đình đủ sống. Heo ông nuôi bự con, dài đòn, là giống heo lai công nghiệp đang được nuôi phổ biến trong cả nước. Chuồng trại ông xây bằng xi-măng, máng ăn tự động “hễ chạm mỏ vào là thức ăn rớt xuống, ăn bao nhiêu tùy thích”, nước uống cũng tự động.
Tôi hỏi ông Minh heo ông ăn những gì, ông bảo ông mua “thức ăn” trong bao về cho ăn, “thức ăn” mà ông nói là cám công nghiệp mà các công ty thức ăn chăn nuôi bán. Hỏi cho chúng ăn rau cỏ hay chuối có được không, ông lắc đầu, nói cỏ hay chuối chúng không ăn, còn rau lang thì ăn nhưng không lớn, phải ăn “thức ăn” chúng mới chịu lớn. Heo ông nhốt trong chuồng, suốt ngày nằm rồi đứng dậy ăn. Tôi hỏi nếu mở cửa chuồng cho ra thì chúng có ra không, ông cười bảo không, chúng chẳng có nhu cầu gì ở ngoài chuồng cả.
“Thức ăn trong bao” hiện nay giá khoảng 12.000 đồng/kg. Nếu nuôi heo thịt, mua 1 con heo con cai sữa khoảng 1 triệu, nuôi 3 tháng được trên dưới 60 kg, với giá heo hơi hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg, con heo 60 kg bán tầm 3 triệu. Mỗi con heo, nhỏ thì ngày ăn 1,5 kg thức ăn, lớn ăn 2,5 kg, bình quân khoảng 2 kg, 90 ngày ăn hết 180 kg, nhân với 12.000 đồng/kg, vị chi là 2.160.000 đồng tiền thức ăn, cộng với 1 triệu tiền heo giống, giá thành tính riêng hai khoản này mỗi con đã là 3.160.000 đồng. Với giá bán 3 triệu, mỗi con lỗ 160.000 đồng, chưa tính lỗ công nuôi, tiền thú y, tiền chuồng trại và tỷ lệ chết chóc. Nuôi nhiều tháng hơn, heo sẽ lớn hơn, thức ăn sẽ tăng lên, số lỗ sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi heo vẫn có lời chút ít, bằng cách mua cám công nghiệp “nguyên chất” về trộn thêm các loại cám bắp cám sắn giá rẻ để “hạ giá thành”. Gọi là lời nhưng cũng ở mức lấy công làm lãi, nếu tính đủ “đầu vào” thì vẫn lỗ.
Còn nuôi heo theo cách của tôi thì sao? Ban đầu thì rất tốn kém, nhưng khi đã tạo được một vườn cỏ tự nhiên và một bộ giống không bệnh tật rồi thì sự tốn kém không còn đáng kể nữa. Khi vườn chưa nhiều cỏ, tôi cho ăn dặm ngày 2 lần, rau và chuối thì có sẵn không phải mua, chỉ tốn khoảng 3.000 đồng tiền cám gạo 1 ngày cho mỗi con. Hiện nay khi cỏ đã nhiều, chỉ cho ăn dặm mỗi ngày 1 lần, chi phí cám gạo không quá 2.000 đồng. Cùng một thời gian nuôi, con heo tôi chỉ đạt trọng lượng bằng 1/3 heo ông Minh, nhưng chi phí thức ăn ít hơn 12 lần. Tôi chưa có ý định nuôi heo để bán, nhưng nếu bán theo giá thịt heo Organic thì chắc chắn phải cao hơn nhiều so với giá thịt heo công nghiệp. Chỉ vài con số như vậy đủ thấy hiệu quả kinh tế như thế nào.
Không ít các chuyên gia nông nghiệp và kinh tế bảo rằng, các giống heo truyền thống lớn chậm, năng suất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu thịt của dân chúng, còn heo công nghiệp lớn nhanh, năng suất cao, từ đó khuyến khích nuôi heo công nghiệp để “tăng nguồn thực phẩm cho xã hội”. Với lập luận tương tự như vậy, các giống lúa cổ truyền của dân tộc đã bị loại bỏ không thương tiếc, nhường chỗ cho các giống lúa lai gắn chặt với phân hóa học và thuốc trừ sâu. Các vị chuyên gia đó dĩ nhiên là văn hay chữ tốt, nhưng lại không chịu hiểu một xã hội thị trường thì phải khác một xã hội bao cấp hay một bộ lạc tự cấp tự túc.
Một người làm ra thứ gì đó để đem đi bán, điều anh ta quan tâm không phải là làm ra bao nhiêu mà là lời bao nhiêu. Lời nhiều thì làm nhiều, lời ít làm ít, không lời không làm. Vấn đề là hiệu quả chứ không phải là sản lượng hay năng suất. Nuôi con heo 30 kg mà lời 20 kg (tôi cho là tối thiểu theo cách nuôi của tôi) tất nhiên phải hơn nuôi con heo 100 kg mà chỉ lời 1 kg, thậm chí không lời kg nào, ấy là chưa kể một bên là thực phẩm sạch tự nhiên, một bên là thực phẩm nhiễm hóa chất.
Nhưng lời nhiều vì sao nông dân chúng ta không làm? Xin thưa là không thể làm được, nếu không có đủ kiên trì. Bởi vì lịch sử đã để lại cho chúng ta quá nhiều di chứng trên vườn ruộng, do chiến tranh, do chính sách nông nghiệp, do “mặt trái” của công nghiệp hóa, do những tri thức nông nghiệp được dạy dỗ trong các trường đại học cũng như được phổ cập trong dân chúng không những không kế thừa mà còn bài bác tri thức của cha ông ta tích lũy hàng ngàn năm trên mảnh đất này. Và như chúng tôi đã đề cập trong kỳ trước, việc tái lập một môi trường tiệm cận với thiên nhiên, tức là tái lập những thửa ruộng mảnh vườn như thửa ruộng mảnh vườn của cha ông ta ngày trước, không hề là chuyện dễ. Người nông dân thì cần cái ăn trước mắt, cần có tiền ngay để lo cho con cái học hành.
|
Còn một điều nguy hiểm nữa, điều mà nhiều người thấy nhưng cũng nhiều người làm ngơ coi như không thấy. Đó là thực trạng các tập đoàn nước ngoài khống chế ngành chăn nuôi nước ta bằng cách phổ cập các giống heo chỉ ăn thức ăn do các công ty thức ăn chăn nuôi sản xuất, liên tục nâng giá đầu vào và khống chế giá đầu ra nhằm bần cùng hóa các hộ chăn nuôi nhỏ, xóa bỏ các con giống truyền thống, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn ngành chăn nuôi nội địa. Báo chí đã lên tiếng, nhiều khi gay gắt, nhưng những tiếng kêu dường như đều rơi vào đôi tai điếc của các bề trên nông nghiệp.
Thêm vào đó, không phải ngẫu nhiên mà các thứ dịch heo dịch gà ngày càng được công bố với tần suất dày đặc cùng các chiến dịch tiêu hủy heo gà liên tục được tiến hành. Sự thật như thế nào, nó có bị thổi phồng quá mức hay không, nó có phải là sản phẩm của mối liên kết giữa các tập đoàn chăn nuôi – y dược quốc tế hay không, không thể dùng “mắt thường” để thấy, chỉ thấy rõ là qua mỗi đợt như thế, việc tiêu hủy thường hướng vào heo gà của bà con nông dân nghèo của chúng ta. Hẳn nhiều người còn nhớ, chỉ mới đây thôi, nuôi một con sáo, một con họa mi treo trong vườn có khi cũng bị “cơ quan chức năng” đến vặn cổ, dù nó chẳng hề có bệnh tật gì. Điều đáng sợ là những cuộc truy sát đó đều được sự đồng thuận của đa số các phương tiện truyền thông và của đám đông vốn sợ hãi bệnh tật. Ai dám chắc đàn heo đàn gà Organic của mình sẽ không chịu số phận của những con sáo, con họa mi vô tội kia? (còn tiếp)
Bài, ảnh: Hoàng Hải Vân – Báo Thanh Niên
Nguồn: songxanh.com