Kỹ thuật trồng và chăm sóc Chôm Chôm
Chôm chôm hương vị thơm ngon, có tác dụng giải độc cho cơ thể, tiêu diệt ký sinh trùng, bổ máu, giảm đau đầu và có tác dụng làm đẹp. Quả chôm chôm rất quý và nhiều tác dụng, chính vì vậy giá thành kinh tế của chôm chôm rất cao. Đặc biệt là chôm chôm trái vụ, giá thành có thể cao gấp 7-10 lần.
- Trồng cây chôm chôm giá trị kinh tế cực cao
Cây chôm chôm:
Cây chôm chôm có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia, hiện nay chủ yếu được trồng ở các nước như: Malaysia, Indonesia, Philippines, Thailand và Việt Nam. Là loại cây ăn quả nhiệt đới thích hợp vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều.
– thích hợp với điều kiện nóng ẩm.
– Nhiệt độ thích hợp từ 22-300C.
– Lượng mưa thích hợp là 2.000mm/năm và phân bố đều trong năm. Lượng mưa đầu mùa nhiều sẽ khiến màu sắc vỏ không đẹp và quả dễ bị nứt.
– Cây cần khô hạn khoảng 1 tháng để hình thành mầm hoa, nhưng khô hạn vào thời kỳ thụ phấn, thụ tinh khiến quả rụng nhiều, quả nhỏ, ảnh hưởng đến phẩm chất quả sau này.
– Chôm chôm trồng được trên nhiều loại đất. Thích hợp nhất là đất pha cát. PH từ 4,5 – 6,5.
Quy trình trồng chôm chôm.
1. Thời vụ trồng:
– Vùng ĐBSCL trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm chi phí và công tưới hoặc cuối mùa mưa.
– Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bắt đầu trồng từ tháng 6-7 dương lịch.
– Vùng Duyên Hải Nam trung bộ trồng vào tháng 8-9 dương lịch.
2. Chuẩn bị hố và cách trồng:
Vun mô, đào hố trồng:
– Làm mô đất hoặc đào hố trước khi trồng cây con từ 1-3 tháng.
– Vùng ĐBSCL trồng chôm chôm trên mặt líp, nếu đất thấp cần phải vun mô trồng, kích thước mô rộng 0,6-0,8m, chiều cao 0,3-0,5m.
– Đất làm mô là đất vườn cũ hoặc đất bãi sông trộn với 10-20 kg phân hữu cơ hoai mục, vôi 0,5-1 kg, phân DAP hoặc NPK (16-16-8) 200-300g.
– Vùng đất cao đào hố trồng có kích thước: 60-80cm x 60-80cm x 60-80cm. Trộn hổn hợp đất mặt, phân NPK, 10-20 kg phân hữu cơ hoai mục + Vôi như trên, trộn đều và lấp đầy hố.
Tham khảo quy trình xử lý phân chuồng đạt tối đa hiệu quả sử dụng tại đây.
Cách trồng:
– Giữa mô đất (vùng ĐBSCL) hoặc hố (vùng Miền Đông Nam Bộ) đào lỗ trồng có kích thước bằng với bầu đất cây con.
– Lấy cây con ra khỏi bầu đất và đặt cây con vào lỗ trồng trồng, lấp và nén đất nhẹ quanh bầu đất cây con đến độ cao bằng với mặt đất của mô hay hố.
– Cắm cọc và buộc cây con phòng gió lay.
– Che mát tạm thời cho cây trong những tháng đầu sau khi trồng, tưới nước cho cây con ngay sau khi trồng.
3. Chăm sóc sau khi trồng:
Tủ gốc giữ ẩm:
– Vào mùa khô dùng lá, cỏ hoặc các phế phẩm sau thu hoạch phủ gốc giữ ẩm cho cây.
Làm cỏ và trồng xen:
– Làm cỏ thường xuyên để tránh bị cạnh tranh nước, dinh dưỡng… Làm cỏ bằng tay hoặc bằng máy, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn.
– Giai đoạn cây mới trồng chưa giao tán trồng xen các cây họ đậu, cây phân xanh để cải tạo đất trên vùng đất nghèo chất hữu cơ.
– Trồng xen lấy ngắn nuôi dài, hạn chế cỏ dại, trồng các cây ăn quả như: chanh, chuối, đu đủ, dứa, ổi…
Tưới nước:
– Cây con mới trồng tưới ít nhất 3 lần trong tuần, cần thiết tưới 2 lần trong ngày nhất là trong mùa nắng.
– Ở vùng ĐBSCL chôm chôm cho quả vào giai đoạn khô hạn, cần tưới đủ nước cho cây. Trong mùa mưa lũ, thoát nước kịp thời không để nước đọng trên vườn chôm chôm.
4. Tỉa cành và tạo tán:
– Tạo tán cho cây từ nhỏ là cần thiết, bấm ngọn khi cây ghép đạt chiều cao 70-100 cm, sau đó tỉa cành giữ lại 3-5 cành khỏe, cách nhau đều và tạo thành góc lớn với thân. Thường xuyên tỉa cành phát triển từ thân cây gốc ghép.
– Hàng năm sau thu hoạch xén những gié hoa còn lại trên cây, cành dinh dưỡng là cành non mọc thẳng từ thân cành chính, cành sâu bệnh, cành đan chéo ngoài tán, cành dưới tán, cành trong tán cho hợp lý để thúc đẩy cây mọc chồi tược non và cho quả vụ sau.
– Khi năng suất bắt đầu giảm, thường sau 20 năm tuổi, cắt ngang những cành chính, giảm chiều cao đến khoảng 1/3, hoặc cách mặt đất 30-50 cm, dùng sơn bảo vệ mặt cắt, khi những cành non phát triển từ dưới mặt cắt, tỉa giữ lại một số cành khoẻ thích hợp, hoặc khi cành đạt đường kính từ 0,5cm tiến hành ghép đổi giống. Sau 2 năm cây lại cho quả.