For a better experience please change your browser to CHROME, FIREFOX, OPERA or Internet Explorer.
Nhiều tòa nhà chưa tiết kiệm điện

Nhiều tòa nhà chưa tiết kiệm điện

Với việc chiếm tới 35-40% tổng sản lượng điện tiêu thụ của cả nước, theo tính toán thì khả năng tiết kiệm điện (TKĐ) trong các tòa nhà cao tầng, văn phòng, khách sạn… có thể lên tới 30%. Và nếu làm được như vậy thì áp lực gia tăng sản lượng điện vốn đang đè nặng lên vai ngành điện sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra, việc làm này không chỉ giúp đối tượng tiêu thụ điện tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp áp lực vốn, mở rộng hệ thống lưới điện giảm bớt, qua đó giúp ngành điện thực thực hiện mục tiêu hiện đại hóa lưới điện quốc gia.

Thực trạng buồn!

Cùng với tốc độ phát triển chung của toàn xã hội, số lượng các tòa nhà cao tầng, các trung tâm thương mại, tổ hợp văn phòng, khách sạn… tại các khu đô thị cũng mọc lên càng nhiều. Đây có thể xem là một biểu hiện hết sức đáng mừng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nhưng có một thực tế là có tới 95% các công trình, tòa nhà cao tầng ở Việt Nam không tích hợp yếu tố sử dụng năng lượng hiệu quả ngay từ khâu thiết kế (Thông tin được đưa ra tại Triển lãm quốc tế Năng lượng hiệu quả môi trường Hà Nội 2013 – Entech HaNoi 2013). Và theo thống kê của Bộ Xây dựng thì với tốc độ tăng trưởng tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng bình quân 6-7% thì đây là sự lãng phí rất lớn.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tiết kiệm điện

Thực tế này cho thấy một điều, tiết kiệm năng lượng nói chung và TKĐ nói riêng hiện rất hạn chế. Đáng chú ý, theo thông tin được giới chuyên gia đưa ra tại Entech HaNoi 2013 thì hiện nay, mức năng lượng một tòa nhà sử dụng thường cao hơn mức năng lượng một nhà máy sử dụng. Trong một tòa nhà, các thành phần sử dụng năng lượng bao gồm hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy và các thiết bị phụ trợ khác như bơm nước, thông gió… Cơ cấu sử dụng năng lượng của một tòa nhà bao gồm: Năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hòa không khí chiếm 40-60%, hệ thống chiếu sáng chiếm khoảng 15-20%, các thiết bị văn phòng chiếm 10-15%, phần còn lại dành cho các thiết bị phụ trợ khác…

Năng lượng sử dụng trong các toàn nhà cao tầng, văn phòng… chủ yếu vẫn là năng lượng điện. Vậy nên hiện tượng lãng phí này không chỉ tạo lên áp lực gia tăng sản lượng điện, áp lực mở rộng hệ thống điện – áp lực có thể giải tỏa từ gốc, từ khâu thiết kế – thêm nặng nề hơn. Khó khăn của ngành điện vì thế cũng nhân lên gấp bội bởi vấn đề căn bản là ý thức trách nhiệm của các đối tượng sử dụng điện giá rẻ là rất hạn chế. Không chú trọng thiết kế tòa nhà tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm các chi phí vận hành bởi khoản chi phí này vốn dĩ đang được bù đắp bởi việc giá bán điện thấp là tâm lý chung của nhà đầu tư. Câu chuyện này cũng chẳng khác nào chuyện xi măng, sắt, thép… phản ứng với việc tăng giá điện cả. Họ sẵn sàng hoang phí, xem nhẹ đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, trang bị những hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến có tính năng TKĐ bởi họ đã được hưởng lợi từ giá điện.

Một kết quả nghiên cứu gần đây của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC Hồ Chí Minh) cũng cho thấy, mặc dù đã có tới 90% đối tượng được khảo sát đã áp dựng các giải pháp TKĐ cho hệ thống chiếu sáng, điều hòa không khí – những thiết bị tiêu hao năng lượng chủ yếu trong một tòa nhà – nhưng công nghệ của chúng lại rất lạc hậu so với các nước trong khu vực.

Lại một chuyện nữa, trong khi các tòa nhà chưa chú trọng nhiều đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, TKĐ thì ý thức của đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm trong các tòa nhà cũng rất hạn chế. Tình trạng “xài của chùa”, dùng thiết bị điện một cách vô tội vạ… diễn ra khá phổ biến. Một điều mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra khi đặt chân vào các tòa nhà cao tầng là hệ thống điều hòa, hệ thống thông gió chạy ù ù gần như 24/24 giờ, thiết bị chiếu sáng để vô tội vạ, có khi mấy m2 vuông mà bố trí đến cả chục bóng đèn…

Vẫn là chuyện ý thức và trách nhiệm

Để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ hàng năm của nền kinh tế, sản lượng điện phải tăng 15-17% và đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành điện. Và để giải quyết được bài toán này, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính sách, ngành điện rất cần sự chung tay góp sức của nền kinh tế, của cộng động xã hội. TKĐ để giảm tải áp lực gia tăng sản lượng điện tiêu thụ là một trong số những giải pháp ngành điện mong muốn nền kinh tế, xã hội vào cuộc triển khai thực hiện. Ví như nhóm đối tượng là các nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn… nếu triệt để thực hiện TKĐ thì nhu cầu tiêu thụ điện của toàn nền kinh tế cũng sẽ giảm tới 9-12%.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hà Nội (ECC HANOI) và Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), hầu hết văn phòng, nhà xưởng mới chỉ dừng lại ở giải pháp sử dụng bóng đèn huỳnh quang TKĐ và đèn compact, thay thế cửa gỗ bằng cửa kính tận dụng ánh sáng tự nhiên…

Nói như vậy để thấy rằng, TKĐ rất cần và mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho ngành điện mà cho chính đối tượng sử dụng điện. Khảo sát tại Tòa nhà Harec Building của Công ty cổ phần Harec Đầu tư và thương mại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy: Năng lượng tiết kiệm được hằng năm của tòa nhà ước đạt khoảng 14% so với khi chưa áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Và theo đại diện của Harec Building: Để đạt được điều này, ngay từ khi thiết kế, chủ đầu tư đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhằm quản lý năng lượng có hiệu quả với hàng loạt giải pháp về quản lý và kỹ thuật. Trong quá trình vận hành, hệ thống điều hòa và thông gió luôn được quản lý rất chặt chẽ, sử dụng điều khiển công suất động cơ thích ứng theo nhu cầu của tải, thực hiện bảo dưỡng và vận hành theo quy định đề ra, lắp đặt các bộ điều khiển nhiệt độ điều hòa tại từng khu vực, bộ phận…

Ngoài ra, Harec Building cũng cho lắp đặt hệ thống công tơ điện đo đếm tại các bộ phận, khu vực cho thuê… cũng được giám sát chặt chẽ, hệ thống chiếu sáng thay thế bằng bóng đèn tiết kiệm và tiết giảm chiếu sáng tại nhiều vị trí sử dụng song vẫn bảo đảm nhu cầu, chất lượng chiếu sáng; lắp đặt toàn bộ cửa kính cách nhiệt và rèm che; lập sổ theo dõi điện tiêu thụ hằng ngày nhằm khống chế chặt chẽ điện tiêu thụ; tận dụng ánh sáng tự nhiên và gió tươi; lắp đặt các đồng hồ hẹn giờ cho thiết bị chiếu sáng, quạt hút, quạt cung cấp gió; kiểm soát chặt chẽ chế độ cài đặt nhiệt độ của hệ thống điều hòa không khí trung tâm tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm ngoài trời theo từng giờ trong ngày; thiết lập và áp dụng quy trình vận hành thiết bị giặt là vào giờ thấp điểm…

Qua đó để thấy rằng, TKĐ trong các tòa nhà hoàn toàn không khó nếu chủ đầu tư có ý thức TKĐ ngay từ khi thiết kế, xây dựng công trình cũng như hình thành ý thức TKĐ cho các tổ chức, cá nhân… làm việc trong tòa nhà.

Kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng kết hợp với 2 trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về hiện trạng sử dụng, quản lý năng lượng tại một số tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng cho thấy: Đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng sử dụng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%. Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị, 75% năng lượng được tiêu tốn bởi điều hòa không khí; 10% là thiết bị chiếu sáng, các thiết bị khác chiếm 15%. Đối với khách sạn, các con số này lần lượt là 60%, 25% và 15%.

Thanh Ngọc

Nguồn: Petrotimes

Nguồn: songxanh.com

Bản Tin Xanh

Tin Hot
Top