Tầm quan trọng của đất đối với cây trồng, “Đất Sống – Cây khỏe”
Nhắc đến việc chăm sóc cây trồng thì trước khi nói về phân bón, cần nói về đất. Vì đất là nền để cây mọc, là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng nuôi cây.
Đất còn là “một vật thể sống”, là môi trường thuận lợi cho các sinh vật và vi sinh vật sinh sôi, nảy nở. Trong quá trình sống, chúng tạo mùn cho đất. Hiểu biết về đất thì bón phân sẽ hợp lý, từ đó giúp cây trồng đạt năng suất cao hơn.
1. Tính chất của đất.
- Đất được cấu thành từ: Chất rắn (Khoáng chất và mùn), nước và không khí
- Đất tốt là đất có tỷ lệ : 40% chất rắn, 30% nước và 30% không khí
- Đất tốt là đất có khả năng giữ nước cao và hút nước nhanh, có khả năng giữ chất dinh dưỡng cao, pH trung tính 5,5 đến 7,5
Sức khỏe và độ phì nhiêu của đất phụ thuộc vào hoạt động của Vi Sinh Vật (VSV) trong đất. Các quá trình phân huỷ và khoáng hoá của VSV đất làm cho Đất Sống, giúp cho đất có đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho cây.
2. Chức năng của đất đối với cây trồng.
Chức năng của đất là làm nền cho cây mọc. Chúng giữ gìn, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết, nước và không khí cho cây, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển.
Đất tốt sẽ thực hiện được cả ba chức năng trên. Đất tốt có kết cấu tốt, có độ ẩm tối ưu, giàu chất dinh dưỡng và hoạt động sinh học cao.
3. Các tầng đất.
Có 2 tầng đất tổng quát :
Đất mặt: Là tầng đất trên cùng, ở đó phần lớn các loại rễ cây, vi sinh vật và các loại hình sự sống động vật khác cư trú. Đất mặt chứa mùn, là lớp đất có năng suất cao. Trồng trọt hoàn toàn phụ thuộc vào đất mặt. Không có đất mặt, cây sẽ không mọc được.
Đất cái: Là tầng này nằm sâu hơn và thông thường dày đặc và chặt hơn cũng như ít các chất hữu cơ hơn.
4. Thành phần của đất.
a. phần rắn: Gồm thành phần vô cơ và hữu cơ
– Chất vô cơ : chiếm từ 92-98% khối lượng phần rắn, trong đó có chứa các chất dinh dưỡng như nitơ, oxi, photpho,kali….
– Chất hữu cơ : gồm có các sinh vật sống trong đất và xác động vật,thực vật, vi sinh vật đã chết. Dưới tác động của vi sinh vật,xác động,thực vật bị phân hủy thành các chất hữu cơ đơn giản và chất khoáng. Các sản phẩm phân hủy này là thức ăn cho cây trồng và nguyên liệu để tổng hợp thành chất mùn. Mùn chính là chất làm cho đất có những tính chất tốt, đất nhiều mùn là đất tốt
Chỉ chiếm 5-10% trong đất, nhưng chất hữu cơ lại đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết. Nó kết hợp các hạt đất lại với nhau thành những hạt xốp có lỗ nhỏ giúp cho không khí và nước có thể thấm vào đất. Giữ ẩm tốt (độ ẩm lên tới 90%) và có thể hấp thu và lưu trữ dưỡng chất. Quan trọng nhất, nó chính là một loại thức ăn dành cho các vi sinh vật và các sinh vật khác trong đất.
b. phần khí:
Một loại đất tốt chứa khoảng 25-30% không khí. Côn trùng, ấu trùng và sinh học đất cần nhiều không khí để sống. Không khí trong đất cũng là nguồn ni tơ khí quyển quan trọng cho cây trồng.
c. nước:
có tác dụng hòa tan các chất dinh dưỡng, Đất tốt để trồng thường chứa 25-30% nước
d. sinh học đất
– Các vi sinh vật đất bao gồm vi khuẩn và nấm, động vật nguyên sinh và giun, ve, bọ và các sinh vật nhỏ khác có trong loại đất tốt.
– Các vi sinh vật này rất cần thiết cho sự sinh trưởng của cây. Chúng giúp chuyển hóa các chất hữu cơ và khoáng chất đất thành các loại vitamin, hoóc môn, hợp chất kháng bênh và dưỡng chất cần cho sự phát triển của cây.
5. Ưu,nhược điểm và cách cải tạo một số loại đất.
a. đất cát:
Thô, hạt cát rời rạc, sờ cảm thấy có sạn, không nhớt nhầy. 80-100% cát, 0-10% mùn, 0-10% sét với các hạt cát kích thước từ mịn (0,05mm) đến thô (2mm)
Ưu điểm:
- Thoát nước dễ,thấm nước nhanh.
- Đất thoáng khí,vi sinh vật háo khí hoạt động mạnh
Khuyết điểm:
– Khi khô thì rời rạc, khi ướt thì đất dính bí chặt
– Giữ nước, giữ phân kém, dễ bị khô hạn
– Vi sinh vật khó phát triển, cỏ mọc nhanh
– Nghèo chất mùn do chất hữu cơ bị phân giải nhanh
Cải Tạo:
- Bón phân chia làm nhiều lần, vùi sâu tránh thất thoát phân
- Cày sâu lật sét,bón bùn ao, tưới nước phù sa, bón phân hữu cơ để tăng lượng sét
Các loại cây có thể trồng:
- Các loại cây có củ:khoai mỳ ,khoai lang,lạc,khoai tây,….
- Các cây ăn quả :dừa ,cam chanh,…
b. Đất sét:
Dính và dẻo khi ướt, khi khô thành cục rất cứng. 0-45% cát, 0-45% mùn, 50-100% sét, với các hạt sét mịn kích thước < 0,002mm và hạt mùn kích thước 0.002-0.05mm
Ưu điểm:
- Giữ nước nhiều, nhiệt độ thay đổi chậm hơn nhiệt độ không khí.
- Mùn nhiều hơn cát
- Ổn định nhiệt độ hơn cát
- Chứa nhiều keo nên dinh dưỡng hấp thu lớn,giữ nước,giữ phân tốt
- Chất hữu cơ phân giải chậm nên tích lũy nhiều hơn đất cát.
- Mùn và đất thường kết hợp với nhau tạo nên một phức hợp bền vững
Nhược điểm
- Hạt nhỏ nên rất khó thấm nước, cây trồng dễ bị úng
- Không khí khó lưu thông
- Làm đất tốn công
- Khi bị hạn đất nứt nẻ làm đứt rễ cây trong đất
Cải tạo:
- Bón phân hữu cơ và vôi, phân xanh, phân chuồng,…
- Đất quá sét có thể bón cát hay tưới nước phù sa thô
- Không thích hợp trồng cây lấy củ
c. Đất thịt:
Mang tính chất trung gian giữa đất cát và đất sét. Nếu là đất thịt nhẹ thì ngã về phía đất cát, nếu là đất thịt nặng thì ngã về phía đất sét. Nông dân thích chọn đất thịt nhẹ và trung bình vì chế độ nước và khi phối hợp điều hòa thuận lợi cho quá trình sinh vật và hóa học phát triển trong đất
- Thành phần: 25-50% cát, 30-50% mùn, 10-30% sét
- Tính chất: có tính chất trung gian giữa đất cát và đất sét.
- Đất thịt nhẹ và đất thịt trung bình có chế độ thấm nước, nhiệt độ, không khí điều hoà thuận lợi cho các quá trình lý hoá xảy ra trong đất. Dễ dàng cày bừa làm đất.
- Thích hợp cho đa số các loại cây trồng.