For a better experience please change your browser to CHROME, FIREFOX, OPERA or Internet Explorer.
Vật liệu “xanh” kém phát triển

Vật liệu “xanh” kém phát triển

Thị trường vật liệu “xanh” thời gian qua kém phát triển do Chương trình 567 ra đời vào đúng lúc kinh tế suy thoái – theo các chuyên gia trong ngành xây dựng.

Với lợi ích to lớn góp phần tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, vật liệu xây không nung đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ lâu.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, dù nguồn nguyên liệu dồi dào, khí hậu nóng ẩm nhiệt đới rất cần áp dụng, vật liệu xây không nung vẫn kém phát triển mà trong đó có nguyên nhân từ việc cụ thể hóa các cơ chế chính sách.

Hiện rất khó thuyết phục chủ đầu tư sử dụng vật liệu nhẹ, gạch không nung và các loại vật liệu tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà bởi đa phần họ chưa nắm đầy đủ thông tin về hiệu quả một công trình “xanh” mang lại về lâu dài

Thống kê cho thấy hiện nay cả nước có khoảng 900 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, với tổng công suất 1.529 triệu viên (quy tiêu chuẩn)/năm. Tính cả khoảng 350 cơ sở sản xuất có công suất rất nhỏ (dưới 1 triệu viên/năm), tổng công suất gạch không nung là khoảng 1.700 triệu viên/năm.

Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2015 vật liệu xây không nung chiếm tỷ lệ 20 – 25% vật liệu xây và đạt tỷ lệ 30 – 40% vào năm 2020.

Hiện nay công suất vật liệu xây không nung đã chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số vật liệu xây, nhưng việc đầu tư không theo quy hoạch tập trung ở một số vùng, đã gây khó khăn cho việc vận chuyển đến nơi sử dụng, nâng giá lên cao, nơi thừa, nơi thiếu.

“Việc tiêu thụ, sử dụng vật liệu xây dựng không nung vào công trình xây dựng còn rất hạn chế, không tương xứng với năng lực đã được đầu tư, chỉ chiếm khoảng 50%”, TS Trần Văn Huynh cho biết, “Riêng bê tông nhẹ chỉ khai thác dưới 15% công suất.”

Kém phát triển do kinh tế suy thoái

Thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung thời gian qua kém phát triển, nguyên nhân chính là do Chương trình 567 ra đời vào đúng lúc kinh tế suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường vật liệu xây dựng nói chung bị thu hẹp, kể cả đối với gạch đất sét nung.

Theo ông Hà Ngọc Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, vấn đề cản trở nhất đối với việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung chính là thói quen, truyền thống sử dụng gạch đất sét nung (gạch đỏ) của nhân dân.

“Các chủ đầu tư chưa tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm”, ông Hồng nói, “Trên thực tế chất lượng sản phẩm gạch không nung cũng cần được nâng cao hơn nữa.”

Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ 15/1/2013, các công trình xây dựng tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Tuy nhiên, theo giới kiến trúc sư thì hiện số công trình sử dụng vật liệu “xanh” vẫn chưa nhiều.

Còn Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây; khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung khác có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.

Theo các chuyên gia, để vật liệu xây không nung phát triển bền vững và sử dụng rộng rãi, trước hết các doanh nghiệp phải đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo độ chính xác, đồng đều về quy cách sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng trong nước.

Hơn nữa, TS. Huynh bày tỏ mong muốn Bộ Xây dựng, Bộ tài Chính đề xuất với Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng xuống 5% thay vì 10%. Mong muốn các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, tính năng ưu việt của vật liệu nhẹ AAC và hiệu quả kinh tế khi sử dụng để xây dựng công trình, tạo dựng thị trường tiêu thụ mạnh mẽ vật liệu xây không nung.

Nguồn: MOITRUONG.COM.VN

Nguồn: songxanh.com

Bản Tin Xanh

Tin Hot
Top